Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, gia tăng giá trị

Cập nhật: 16-01-2023 | 05:45:43

Sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân đã giúp Bình Dương đi từ nền nông nghiệp lạc hậu trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.


Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham quan mô hình trồng dưa lưới đạt chuẩn VietGAP của Khu nông nghiệp CNC An Thái (huyện Phú Giáo)

Ưu đãi, thu hút đầu tư

GDP nông nghiệp chỉ chiếm 3% trong tỷ trọng kinh tế của tỉnh, song Bình Dương có tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Theo đó, tỉnh đã có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong giai đoạn 2016-2020, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng CNC được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, hạn mức vay ưu đãi từ 80-90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng CNC. Đến nay, có gần 100 phương án được Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh ký hợp đồng tín dụng với tổng vốn phê duyệt trên 600 tỷ đồng.

Hiện Bình Dương có tổng số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước. Tổng diện tích ứng dụng CNC trong trồng trọt toàn tỉnh đạt khoảng 5.763 ha; diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172 ha, với nhiều loại cây trồng có giá trị được ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến.

Song song đó, Bình Dương đã hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng CNC, như: Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái (huyện Phú Giáo), Khu nông nghiệp CNC Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), Khu nông nghiệp CNC tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo), Khu nông nghiệp CNC tại phường Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên)... với sự đa dạng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tưới và nhiều loại máy móc cơ giới hóa được áp dụng trong sản xuất giống, thâm canh cây trồng, vật nuôi... Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp.

Nâng tầm phát triển

Từ thực tế thời gian qua có thể khẳng định, việc phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang và sẽ là hướng đi tất yếu trong sản xuất, thay đổi diện mạo và nâng tầm phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC, phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở các huyện phía bắc. Đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh cho các loại cây trồng chủ lực, như cao su, hồ tiêu, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, măng cụt, rau, hoa...

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết ngành nông nghiệp của Bình Dương đang tiếp tục phát huy thành quả trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng thông minh Bạch Đằng. Một trong những giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Thông qua các chính sách khuyến khích, Bình Dương nỗ lực tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò chủ lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp CNC, tạo ra những đột phá rõ nét cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “Bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại, tiên tiến, Bình Dương còn quan tâm hình thành những chủ trương, giải pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp CNC. Bằng việc tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ nông nghiệp - nông dân và nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã dần định hình và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn”.

PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên