Bình Dương khẩn trương hỗ trợ người dân khó khăn vì dịch bệnh Covid-19

Cập nhật: 12-05-2020 | 08:06:48

 Để triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) tỉnh hướng dẫn các đơn vị, ngành, địa phương thực hiện hỗ trợ. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

 Các ngành đoàn thể phối hợp tặng quà cho người lao động tại các khu nhà trọ

 - Ông có thể cho biết về các đối tượng thụ hưởng, kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh?

- Theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh có 7 nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội. Cụ thể các nhóm đối tượng gồm: Người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh trong danh sách đến ngày 31-12- 2019; người lao động (NLĐ) thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương; người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm bị tạm dừng hoạt động; NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).

Cũng theo Nghị quyết 42/ NQ-CP của Chính phủ, Bình Dương thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương trên 50% nên tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Kinh phí dự trù hỗ trợ cho các nhóm đối tượng thuộc diện thụ hưởng trên địa bàn tỉnh theo gói hỗ trợ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Theo quy định cuối tháng 5 sẽ hoàn thành việc chi trả, tuy nhiên với một khoảng kinh phí lớn, trao cho rất nhiều đối tượng trong khoảng thời gian ngắn là trọng trách không nhỏ đối với các đơn vị, địa phương, nhất là tuyến cơ sở nơi trực tiếp rà soát, xác nhận để lập danh sách đề xuất đối tượng thụ hưởng trình cấp cao hơn xét duyệt.

- Để không bị lợi dụng trục lợi chính sách, ông có thể nói rõ về điều kiện thụ hưởng với NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương và NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng TCTN?

- Thống kê của Sở LĐ- TB&XH trong tháng 4 có khoảng 50.000 NLĐ thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương; 12.000 NLĐ chấm dứt HĐLĐ không đủ điều kiện hưởng TCTN. NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương, cần hội tụ đủ các điều kiện: Thời gian tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương liên tục 1 tháng, bắt đầu từ ngày 1-4 đến ngày 1-6-2020; còn thời hạn trong HĐLĐ; đang tham gia bảo hiểm xã hội. NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp (DN) không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương, sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính khác.

DN lập danh sách NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không hưởng lương theo mẫu số đã được ban hành, hồ sơ kèm theo danh sách. Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách theo để nghị của DN, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội và gửi lại DN. DN nằm ngoài các khu công nghiệp gửi về Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện nơi DN đặt trụ sở. DN nằm trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore gửi về Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam Singapore. Các DN nằm trong các khu công nghiệp gửi về Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương. Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và thực hiện việc chi trả.

Trong khi đó, việc hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp HĐLĐ bị mất việc làm phải bảo đảm không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo của tỉnh, cư trú hợp pháp tại địa phương. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, NLĐ làm một trong những công việc: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bán lẻ xổ số lưu động; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

- Ông có thể chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ?

- Trong số những đối tượng được hưởng trợ cấp lần này, khó khăn lớn nhất là việc xác định nhóm NLĐ tự do, người không có HĐLĐ. Theo quy định, nhóm đối tượng này nếu gặp khó khăn, có nhu cầu hỗ trợ thì kê khai theo mẫu gửi UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hợp pháp. UBND cấp xã có trách nhiệm xác định ai kê khai đúng, ai kê khai sai. Tuy nhiên, cơ sở để xác minh lời khai khá lỏng lẻo vì đa phần những người này làm thời vụ, không có đơn vị quản lý nên rất khó nắm bắt. Vì thế, nếu không làm tốt việc rà soát rất dễ dẫn tới việc bỏ sót đối tượng thụ hưởng hoặc có thể bị lợi dụng, trục lợi chính sách.

Nhằm hạn chế trường hợp này, vai trò giám sát của người dân là cần thiết. Sau rà roát, thống kê danh sách, cán bộ cơ sở cần thông tin rộng rãi và niêm yết công khai danh sách để cộng đồng dân cư giám sát. Đặc biệt vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận rất quan trọng, bảo đảm tiền đến tận tay người cần hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi. Vì thế, rất cần sự quyết tâm vào cuộc và sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt từ các đơn vị, địa phương để tiền có thể đến tay người cần hỗ trợ một cách nhanh gọn, chính xác.

- Xin cảm ơn ông!

KIM HÀ (thực hiện)  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=354
Quay lên trên