Bình Dương nỗ lực đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 04-04-2013 | 00:00:00

(BDO) Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi Bình Dương, mùa khô năm 2012 – 2013 bắt đầu từ cuối tháng 11-2012, trong các tháng mùa khô có vài đợt mưa trái mùa với lượng mưa nhỏ, nắng nóng gay gắt hơn năm 2012 với nhiệt độ trung bình từ 320C – 350C, một số nơi lên đến 370C. Với thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài thì khả năng nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp sẽ suy giảm vào cuối mùa khô 2013.

Hồ Dầu Tiếng. Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, tuy có vài cơn mưa trái mùa nhưng khu vực Nam bộ nắng nóng sẽ kéo dài đến tháng 5-2013. Cùng với nắng nóng, tình hình xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam bộ sẽ duy trì mức cao, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ kéo dài đến cuối tháng 6 mới giảm.

Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, phải đến giữa tháng 4 Nam bộ mới có mưa chuyển mùa, mưa nhiều hơn, trong mưa kèm theo dông, lốc xoáy, mưa đá. Nguyên nhân chủ yếu do sự xung đột giữa các khối khí nóng và lạnh. Trong khi đó, các vùng ven biển Bến Tre, Sóc Trăng, Tây Ninh mưa đến muộn hơn (dự báo đến giữa tháng 5 mới có mưa chuyển mùa).

Do tình hình nắng nóng cục bộ xảy ra nhiều nơi nên dòng chảy trên các sông suối trên địa bàn tỉnh đều ở mức thấp nên nguồn nước tưới của các công trình cản, đập dâng đều giảm hơn so với mọi năm, mặc dù mùa mưa năm 2012 kết thúc vào cuối tháng 11, muộn hơn so với bình thường. Tổng lượng mưa mùa khô năm 2013 đo được tại các trạm là 290mm (tính đến ngày 15-3-2013). Hiện tại, nguồn nước chứa của các hồ chứa đều tích đủ lượng nước theo thiết kế để phục vụ nước tưới cho sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu, trong đó: hồ Cần Nôm tích được 70,79% dung tích thiết kế, hồ Đá Bàn – Suối Sâu tích được 53,85% dung tích thiết kế, hồ Suối Giai tích được 47,66% dung tích thiết kế.

 Qua kiểm tra về tình hình hạn hán tại các xã trọng điểm của các huyện phía bắc tỉnh Bình Dương (Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo) cho thấy, vẫn chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu tình hình nắng nóng kéo dài và không có mưa thì hồ Dốc Nhàn (huyện Tân Uyên), hồ Cần Nôm (Dầu Tiếng) sẽ không đủ lượng nước tưới nông nghiệp cho sản xuất vụ Hè Thu; các hộ thuộc ấp Bầu Dầu, âp Đồng Sầm (xã Định An, Dầu Tiếng) sẽ thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là nguồn nước ngầm đang bị nhiễn phèn, khoảng 65 hộ thuộc xã Tam Lập (Dầu Tiếng) sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Để tránh tình trạng thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp, Chi cục Thủy lợi Bình Dương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm; tăng cường công tác nạo vét các giếng đào để tăng thêm nguồn nước; xây dựng các phương án vận chuyển nước từ nơi khác để cung cấp, nhất là ở xã Định An (Dầu Tiếng), xã Tam Lập (Phú Giáo)... Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi Bình Dương cũng kiến nghị các đơn vị quản lý các hồ chứa nước, các trạm bơm có các biện pháp trữ nước, lập kế hoạch tưới cụ thể cho từng khu vực; tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, bể hút các trạm bơm… để bảo đảm cung cấp đủ lượng nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vụ Hè Thu 2013.

Hoàng Phạm

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=283
Quay lên trên