ĐT741, tuyến đường huyết mạch kết nối quốc lộ 13 (Bình Dương) đi Bình Phước và các tỉnh khu vực Tây nguyên chưa hoàn thiện bao lâu, thì một số đoạn dài hàng trăm mét chạy qua địa bàn xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên xuất hiện các vết nứt, sụt lún ở lề đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại... Nguyên nhân vì sao?
Theo người dân, những miệng cống lớn sâu vào thời điểm mùa mưa dễ thành “bẫy” dẫn đến tai nạn cho trẻ em
Vừa mừng đã lo!
Ngay sau khi tuyến đường ĐT741 hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân khu vực ấp 2, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên rất phấn khởi khi thấy bộ mặt vùng nông thôn đổi thay, đường sá khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng, bên cạnh những niềm vui của nhiều người, một số hộ “kém may mắn” hơn khi khu vực nhà của họ vốn đã bị trũng thấp, nay mặt đường nâng cấp thì nhà lọt thỏm dưới mặt đường cả mét khiến mưa lớn là nước cứ theo quy luật dồn về chỗ thấp khiến sinh hoạt, chăn nuôi của họ bị ảnh hưởng.
“Trước đây, hàng chục hộ chúng tôi nhà đã trũng thấp, khi đường hoàn thiện thì mặt đường cao hơn nền nhà cả mét. Mùa khô thì hứng bụi đường, còn mùa mưa thì nước chảy xối xả và dồn về chỗ thấp, ông Huỳnh Văn Liêm (44 tuổi), một hộ dân ở ấp 2 cho biết.
Ông Liêm cho rằng đã 3 mùa mưa trôi qua, việc ngập úng do nước mưa tràn từ đường vào nhà vẫn cứ tiếp diễn. Việc ngập úng kéo dài, có hôm nước ngập qua nửa chiều cao của chuồng bò. Mùa mưa năm 2014, do việc ngập nước liên tiếp xảy ra khiến một con bò nhà ông bị nhiễm bệnh chết gây thiệt hại cho gia đình 40 triệu đồng. “Vốn liếng chăn nuôi tôi đều vay mượn, việc bò chết đã gây thiệt hại cho gia đình. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng xem xét, giải quyết tình trạng ngập nước ở khu vực này”, ông Liêm kiến nghị.
Điểm sụt lún phần đường với bó vỉa hè tạo hố sâu gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại
Trước những bức xúc của người dân vào đầu mùa mưa do tuyến đường trong thiết kế không có hệ thống thu gom nước mưa nên Ban Quản lý dự án tỉnh đã gọi thầu để xây dựng tuyến cống thu gom nước mưa để giảm tình trạng ngập úng ở khu vực. Công ty TNHH Phúc Cường (TP.TDM) là đơn vị trúng thầu thi công đoạn cống với chiều dài 1,7km. Tuy nhiên, theo người dân do việc thi công cẩu thả khiến tiền “trôi theo nước”. Vào mùa mưa này nỗi khổ của nhiều hộ dân lại chồng chất nhiều hơn. Những đoạn hư hỏng không những nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại, nhiều tai nạn té ngã liên tiếp xảy ra ở khu vực bị hư hỏng. Đáng lo hơn, các miệng cống không che chắn dễ trở thành những “cái bẫy” cho những trẻ em hiếu động.
Ông HUỲNH VĂN TÙNG, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình: “Hệ thống cống thoát nước đang xây dựng đã bảo đảm được vấn đề thoát nước tại địa phương. Tình trạng sạt lở hai bên đường không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông báo của người dân về tình trạng hệ thống cống thoát nước có biểu hiện xuống cấp, gây sụt lún đất, chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức kiểm tra và thông báo ngay cho đơn vị thi công để có giải pháp khắc phục mà người dân đã phản ánh. Về thực tế, công trình này đã chậm tiến độ nhiều so với kế hoạch thực hiện, đây cũng là điều gây bức xúc cho nhân dân…”. |
Ông Hoàng Chí Tâm (60 tuổi, cựu chiến binh xã Tân Bình) bức xúc cho biết, từ lúc công trình hoàn thành chỉ sau vài cơn mưa là bị sụt lở nặng. Bề mặt đường bị xé toạc. Dễ thấy nhất là tại những miệng cống gom nước mưa, do thi công cẩu thả khiến nước mưa gây xói lở, sụt lún tạo hố sâu nguy hiểm. “Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra ngay trước nhà tôi. Tuy chưa ai mất mạng nhưng là mối hiểm họa rình rập cho người đi đường, nhất là những người dân vãng lai đi qua khu vực không biết đoạn đường bị hư hỏng”, ông Tâm cho biết.
“Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng khắc phục những hư hỏng tại đoạn đường này và có biện pháp che chắn các hố sâu, các miệng thu gom nước để phòng tránh tai nạn cho mọi người, nhất là các cháu nhỏ”, ông Tâm bày tỏ.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trả lời về vấn đề này, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh đã có Công văn số 08 do ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc ký, cho biết: Công trình đường ĐT741 do Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng VRG, thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư. Đoạn qua xã Tân Bình không có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Do đó, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc giải quyết ngập úng vào mưa tại các điểm dân cư dọc hai bên đường ĐT741, từ đầu mùa mưa, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh đã tổ chức thi công, lắp đặt đoạn cống qua khu vực chợ Tân Bình với chiều dài 1,7km. Ông Phạm Ngọc Sơn cho biết, trong quá trình thi công một số đoạn có hiện tượng sụt lún phần lề sỏi và lề nhựa gia cố. Qua khảo sát, đánh giá, Ban Quản lý dự án tỉnh xác định nguyên nhân gây hư hỏng do: Phần cống thi công bổ sung sau không được thi công đồng bộ với phần đường khiến phần thi công sau làm ảnh hưởng đến phần đường đã được thi công trước đó. “Phần cống thi công trong phạm vi dải đất hẹp (đã giải phóng mặt bằng trước đây) bên dưới phần lề đường sát mép lề nhựa gia cố. Chiều sâu chôn cống từ 2,5 đến 3m trong điều kiện thi công vào mùa mưa nên rất khó bảo đảm ổn định của phần lề đường hiện hữu”, ông Phạm Ngọc Sơn cho biết về nguyên nhân khách quan khiến công trình bị hư hỏng.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Sơn cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến công trình bị hư hỏng là do chiều sâu đào lớn và phải đắp trả ngay lối đi cho các hộ dân nên phía đơn vị thi công đã không thực hiện đầy đủ quy trình đắp từng lớp nên một số đoạn bị lún. Trước những hiện tượng hư hỏng nêu trên, hiện đơn vị thi công đang triển khai việc lu lèn toàn bộ phần lề đường, phần đắp lưng cống nhằm bảo đảm độ chặt quy định. Khi nền đất chặt sẽ tiến hành khắc phục sửa chữa các hạng mục như: Bó vỉa, hố ga, mương dẫn… bị hư hỏng, sau đó mới thi công phần lề đường, vỉa hè bê tông. Riêng phần lề nhựa gia cố sẽ trám khe bứt bằng bê tông, khắc phục các vị trí oằn lún bằng bê tông xi măng nếu có...
Trao đổi với P.V, người dân ấp 2, xã Tân Bình rất mong cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ công tác khắc phục những điểm sụt lún, hư hỏng nhằm bảo đảm việc khắc phục được ổn định, lâu bền…
MINH DUY - HUY BÌNH