Cạnh tranh công nghiệp Việt Nam tiến bộ nhất thế giới

Cập nhật: 13-12-2011 | 00:00:00

Đây là xếp hạng mới  nhất của UNIDO về hiệu suất công nghiệp (CIP) Việt Nam đến năm 2009.

Sáng 13/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) công bố Báo cáo Cạnh tranh công nghiệp năm 2011.

Tại lễ công bố này, ông Wilfried Luetkenhorst, Giám đốc điều hành UNIDO, cho biết, chỉ số xếp hạng cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam xếp thứ 58 vào năm 2009 (trong tổng số 118 quốc gia), đã tiến lên 14 bậc chỉ trong vòng 4 năm, do vậy trở thành một trong những quốc gia tiến bộ nhanh nhất thế giới.

Báo cáo CTCN 2011 nhằm đóng góp vào các thảo luận chính sách bằng cách cung cấp khung lý thuyết về các động lực của cạnh tranh công nghiệp, định vị các ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, xác định hạn chế của các ngành công nghiệp có thể được giải quyết thông qua chính sách, và trình bày kiến nghị cụ thể cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.

 Các chuyên gia thảo luận về cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam

Báo cáo Cạnh tranh Công nghiệp năm 2011 (CTCN 2011) coi công nghiệp hoá là cốt lõi trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Điều này phù hợp với các bằng chứng thực nghiệm và lịch sử cho thấy rằng một nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng cần có ngành công nghiệp mạnh mẽ. Thúc đẩy lĩnh vực sản xuất chế tạo càng có ý  nghĩa quan trọng trong việc tạo thêm của cải và việc làm trong tương lai. Báo cáo CTCN 2011 lập luận rằng thay đổi cơ cấu theo hướng phát triển các lĩnh vực thâm dụng công nghệ mang tính chiến lược có thể đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá và cung cấp nền tảng cần thiết cho tăng trưởng bền vững.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Báo cáo CTCN 2011 sẽ trở thành một tài liệu hữu ích, có thể giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc hoạch định chính sách công nghiệp và thương mại đáp ứng yêu cầu của thực tế khách quan trong giai đoạn phát triển công nghiệp mới của Việt Nam”.

Bộ trưởng nhấn mạnh 2 vấn đề lớn đã được nêu bật trong báo cáo: đánh giá vai trò của tự do hoá thương mại trong thời gian vừa qua đối với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và sản xuất; và sự cần thiết của việc tái hoạch định các chính sách và chiến lược công nghiệp. Ông cho rằng, sự ra đời của Báo cáo CTCN 2011 có ý nghĩa quan trọng vì nó hàm chứa những ngụ ý chính sách hữu ích cho Việt Nam.

Ông Wilfried Luetkenhorst, Giám đốc điều hành của UNIDO, chỉ ra rằng: “năng lực cạnh tranh công nghiệp không – hoặc ít nhất không hoàn toàn – phụ thuộc vào trữ lượng tài nguyên của một quốc gia. Lợi thế cạnh tranh có thể được tạo nên”. Báo cáo CTCN 2011 nhấn mạnh quan điểm này  và luập luận rằng Việt Nam cần hướng tới các lĩnh vực có mức độ phức tạp công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn.

Tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng: “Để tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc tiến hành phân tích, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam là rất cần thiết. Kết quả phân tích sẽ giúp Chính phủ hoạch định chính sách công nghiệp hợp lý và mức độ và cách thức can thiệp của Chính phủ vào hoạt động công nghiệp. Đây cũng là căn cứ để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách xác định các khu vực trọng điểm cần can thiệp để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; đặc biệt có sự so sánh cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam với các nước khác. Tất cả nhằm đưa ra đề xuất cho lộ trình chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam”.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=197
Quay lên trên