Ở tuổi 74, nhưng dòng nhiệt huyết trong người cán bộ ấy vẫn tràn trề. Không khuất phục trước bất cứ sự khó khăn nào, tinh thần “thép” đã được trui rèn qua những ngày chiến tranh gian khổ tại các tuyến đường Bắc Nam của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) thời kỳ đầu. Hòa bình về, ông lại tiếp tục sáng tạo, một lòng phụng sự cho Đảng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà. Chàng “công tử bột” Hà thành ngày nào giờ đã là một cư dân kỳ cựu của quê hương Bình Dương. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư Đảng ủy trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương Lê Hồng Minh - người mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này.
Ông Lê Hồng Minh chia sẻ những ước mơ, lý tưởng thời tuổi trẻ với HSSV của trường
58 năm rèn luyện và trưởng thành dưới ngọn cờ của Đảng, trong đó 14 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, dù mái tóc đã điểm bạc nhưng dòng nhiệt huyết của tuổi trẻ ngày nào vẫn như còn tuôn chảy trong ông. Tôi nhận thấy điều đó qua ánh mắt khi ông nói chuyện với các thế hệ sinh viên về một thời tuổi trẻ với biết bao ước mơ và hoài bão khi ký ức của người cách mạng nguyên vẹn trở về.“Thép đã tôi thế đấy”
Ông cô đọng từng kỷ niệm của cuộc đời như sợ rằng dòng ký ức của những ngày lội suối băng rừng sẽ ào ạt ùa về, mà người trẻ tuổi như tôi có thể sẽ không đủ kiên nhẫn để thấu hiểu. Và rồi câu chuyện cũng bắt đầu tuôn chảy về những dấu ấn quan trọng đã làm nên khí phách của người cộng sản.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông thôn miền Bắc, từ thời niên thiếu ông luôn trăn trở với câu hỏi “Tại sao gia đình mình nghèo?”. Câu trả lời là “vì đế quốc, vì thực dân” đã sớm đưa ông đến con đường giác ngộ lý tưởng cách mạng. 19 tuổi, thoát ly gia đình tham gia đội TNXP đi mở đường với biết bao hiểm nguy và gian khổ. Làn da rách bởi gai rừng và chai sần vì đá sỏi, chưa kể những trận sốt rét như quá sức với những thanh niên Hà Nội chưa từng quen với mưa gió. Đồng đội có người ra đi, có người quay về nhưng ông vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Năm 1961, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành người cán bộ chuyên trách ngành đường sắt. Giữa lúc chiến tranh ác liệt, năm 1967 được Đảng ủy Tổng cục Đường sắt cử học trường cao cấp Nguyễn Ái Quốc, đồng thời lại có quyết định của Trung ương Đoàn cử đi B (miền Nam). “Biết rằng đi B có thể hy sinh nhưng vì Tổ quốc cần nên mình xung phong” - ông nhớ lại. 100 ngày đi bộ vượt dãy Trường Sơn đến miền Nam càng đậm thêm khí chất của người cách mạng. Lội suối, băng rừng, làm bạn với đèo cao, vực thẳm... những đôi chân vượt lên tất cả bằng lời động viên, san sẻ thắm tình đồng chí, đồng đội và tinh thần quả cảm. Sự gian khổ ấy như thử lửa đối với người thanh niên tuổi 30. “Khó khăn vậy mình còn vượt qua được, thì còn có gì để mình không làm được nữa!”. Suy nghĩ đó theo ông đến tận bây giờ.
Ông đúc rút: “58 năm tôi được Đảng và Nhà nước giáo dục, giúp đỡ, được thực tế trui rèn trong chiến tranh ác liệt, cũng có những thăng trầm. Từ một người thanh niên sống trong vòng tay che chở của gia đình, khi vào chiến trường Bình Dương tôi thâm nhập với cuộc sống người dân, kể cả người dân nghèo, đồng bào dân tộc, đồn điền cao su, từ đó mà bản thân được rèn luyện”. Ngoài những vết sẹo dọc ngang trên làn da còn in lại, lần ông lạc ở trong rừng, rồi ngất xỉu suốt một đêm dài vẫn còn in đậm trong ký ức. Từ năm 1968 đến năm 1986, trong vai trò là người cán bộ, ông được phân công về nhận nhiệm vụ công tác tại nhiều địa bàn xa xôi của tỉnh. 10 năm trong vai trò Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sông Bé, thời kỳ đất nước còn đang trong quá trình tìm con đường để vượt qua nghèo khó, vươn lên làm giàu. Ông luôn suy nghĩ, hiến kế, tham mưu cho lãnh đạo những điều có lợi cho dân, cho tỉnh nhà, làm tròn trọng trách của người cán bộ Nhà nước.
Sĩ tử tuổi về hưu
Gần đến tuổi hưu, bạn bè lại thấy ông khăn gói đến trường để học đại học tại chức. Sau giờ hành chính, ông mang gô cơm cá khô do bà xã chuẩn bị sẵn, tranh thủ ăn trên xe để còn kịp giờ học. Không ai hiểu ông làm vậy để làm gì, riêng ông biết: “Mình còn sức khỏe, trí tuệ có thể tiếp tục làm việc thì cần phải học, chứ ăn không ngồi rồi, chưa già thì cũng phải già đi thôi”.
3 năm trời kiên trì với con chữ và 1 năm sau khi nghỉ hưu, ông đã tốt nghiệp đại học. Lúc này, đất nước có chủ trương xã hội hóa ngành giáo dục, năm 1998, ông mở trường dạy nghề tư thục Phương Thủy với 40 chiếc máy tính và 5 phòng học. “Có bao nhiêu bạn trẻ được vào đại học chính quy, mà nhất là những thanh niên nghèo. Làm gì để tạo cho họ những cơ hội nghề nghiệp để sống tốt hơn?” - ông tâm huyết. Chất lượng đào tạo luôn được ông đặt lên trước hết nhưng mức học phí luôn thật tiết kiệm “học phí thấp nhưng chất lượng bằng hoặc hơn”, đó là bài toán chỉ có cái “tâm” mới thực hiện được. Năm 1999, trường trở thành trường trung cấp dân lập chuyên nghiệp đầu tiên trong cả nước, năm 2003 là trường cao đẳng và năm 2010 đã có quyết định thành trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương. Đội ngũ giảng viên của trường gồm 15 PGS, 45 tiến sĩ, 133 thạc sĩ. Đây là con số đầy ý nghĩa của một trường cao đẳng vừa qua và đại học sắp tới.
Mục tiêu đào tạo của trường khi sinh viên tốt nghiệp phải có khả năng làm việc. Thực tế cho thấy, tỷ lệ ứng tuyển vào những vị trí thích hợp với mức lương khá cao của sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật trong những năm qua là rất cao. Tiếp nhận những tín hiệu vui ấy lòng ông vui khôn xiết. Đó chính là động lực để ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt công việc. Ngay cả đối với con, ông vẫn luôn nói: “Ba má không có gia tài gì lớn để cho các con, vì thế các con phải gắng sức học tập cho thật tốt, đó là tài sản của chính các con”. Hai cô con gái Phương và Thủy luôn chăm ngoan, học giỏi và đang theo tấm gương của ba để phát triển sự nghiệp giáo dục của nhà trường.
74 tuổi đời, 48 tuổi Đảng, ông luôn tự hào khi nhìn lại suốt chặng đường phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Kinh nghiệm quý báu nhất của ông nằm gọn trong 2 chữ “đồng thuận”. Đồng thuận trong toàn thể cán bộ nhân viên, Ban giám hiệu nhà trường; đồng thuận trong gia đình sẽ quyết định cho mọi mục tiêu được thực hiện thành công. Từ tấm lòng suy nghĩ cho cái chung, cho những điều ích lợi đối với xã hội nên ông luôn được người thân, bạn bè, đồng nghiệp nhiệt tâm, nhiệt tình giúp đỡ. “Nhiều nhà giáo dù nơi khác mức lương cao hơn nhưng họ vẫn về đây để cùng tôi chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục” - ông cảm kích. Ngoài những thành tích của nhà trường được công nhận, bản thân ông đã được phong tặng Huân chương Lao động hạng 3, rất nhiều bằng khen, giấy khen của Đảng và Nhà nước vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Trao đổi với ông, trong suy nghĩ của một người trẻ tuổi, tôi trân trọng lắm nếp suy nghĩ lạc quan, lòng kiên định và nhiệt huyết sống có ích cho cuộc đời trong ông. Lòng tự trọng đối với giá trị bản thân và tình yêu không ngừng đối với cuộc sống là động lực mạnh mẽ giúp ông vượt qua tất cả những nốt lặng của thời gian để đạt được mục đích sống tốt đẹp của cuộc đời!
NGỌC TRINH