Còn đâu áo trắng sân trường!

Cập nhật: 07-12-2015 | 08:31:39

Những năm gần đây, bạo lực học đường bắt đầu bùng phát và lan nhanh. Thỉnh thoảng, bạn đọc lại đau lòng “đón nhận” những clip bạo lực được tung lên mạng như trò mua vui của một bộ phận giới trẻ. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta không nên nhìn nhận đây không chỉ là hiện tượng mà là thực trạng đáng báo động?

Trước đây, hình ảnh nữ sinh thường gắn liền với sự dịu dàng của tà áo dài và chiếc nón bài thơ. Chẳng phải các tác gia thi ca nhạc họa đã bao lần mượn vẻ e ấp, trong sáng của các nữ sinh với tà áo dài trắng để làm cảm hứng sáng tác cho mình?

Cùng với sự phát triển của xã hội, những giá trị đẹp ấy bây giờ tất nhiên vẫn còn, nhưng còn khá… hiếm hoi. Bắt trước trào lưu Kpop, Cpop cùng các xu hướng âm nhạc, thời trang xa lạ với người Việt Nam, nhiều nữ sinh tự biến mình trở thành fan hâm mộ mù quáng, tôn thờ các thần tượng. Bước vào một trường THPT ngẫu nhiên, không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm nữ sinh có cùng kiểu trang điểm, kiểu tóc và điệu bộ ăn nói y hệt… ngôi sao. Hình ảnh ăn mặc, chải chuốt của các em khiến không ít các bậc phụ huynh lắc đầu ngao ngắn. Nhưng ngao ngán chưa đủ, nhiều bậc cha mẹ còn “choáng váng” hơn khi một ngày đẹp trời “bị” nhà trường mời lên vì con gái tham gia vào một vụ ẩu đả, xô xát với bạn học.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây tình trạng bạo lực học đường bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều. Báo chí liên tục đưa tin về các clip “nữ sinh đánh nhau” được đăng tải trên You tube, Facebook và các trang mạng khác. Chuyện nữ sinh mâu thuẫn cá nhân dẫn đến bạo lực là hồi chuông báo động, nhức nhối trong những năm gần đây ở Việt Nam. Đáng lên án hơn là thái độ thờ ơ, cổ xúy, a dua, lạnh lùng của những người chứng kiến. Không chỉ hồ hởi theo dõi màn “kịch chiến”, nhiều bạn trẻ còn dùng điện thoại quay phim, chụp hình tung lên các trang mạng để mua vui, “câu like” hay buôn chuyện.

Rõ ràng, ngày nay chuyện giải quyết vấn đề bằng “nắm đấm” không chỉ là chuyện của nam sinh. Lý giải căn nguyên cho vấn đề bạo lực leo thang trong học đường hay sự vô cảm của người chứng kiến, các chuyên gia tâm lý đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Đó có thể là mối liên kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội còn lỏng lẻo; sự ức chế trong đời sống tâm lý do ảnh hưởng của gia đình; sự du nhập của văn hóa phẩm độc hại; sự phát triển, bùng nổ của đời sống công nghệ, mạng xã hội;… Trong khi đó, cả học sinh và giáo viên đều thiếu hụt sự trang bị về các kỹ năng mềm, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết xung đột, giao tiếp văn hóa học đường… Hậu quả của bạo lực học đường không chỉ là những nỗi đau về mặt thể xác mà còn là sự tổn thương về mặt tinh thần, đặc biệt đối với độ tuổi vị thành niên. Cảnh cáo, kỷ luật học sinh, cho con nghỉ học có phải là biện pháp hữu hiệu? Đã đến lúc các nhà quản lý cần có sự phối hợp đồng bộ, nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ để giảm thiểu tình trạng trên.

LÊ NA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên