Cuộc sống mới ở Giáp Lạc

Cập nhật: 02-03-2013 | 00:00:00

Nhân đôi niềm vui

Không có điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, giải trí, đời sống tinh thần kém đi phần thú vị. Đang nghe radio, xem tivi đến lúc quảng cáo thì tắt, mọi thứ đồ dùng điện đều từ cái bình ắc-quy được sạc tại cửa hàng cách nhà hơn chục cây số nên khi sử dụng phải tính toán chi li, không để lãng phí… Đã qua rồi những hình ảnh ấy, cách đây 3 năm ở ấp Giáp Lạc, từ mùa xuân năm 2010, dòng điện đã được kéo về, đất và người nơi đây như được nhân đôi niềm vui.    Có nước sinh hoạt, chị Nguyễn Thị Nữ - vợ anh Tiền trồng thêm mấy gốc mận sau nhà để cải thiện đời sống

Hơn 30 năm sống trong cảnh đèn dầu, không có điện để làm giếng khoan phục vụ sản xuất, từ đó người dân cũng không nghĩ thêm việc trồng hoa màu hay cây ăn trái vì loại cây này cầna nhiều nước để phát triển. Họ chỉ chăm bẵm lo cái ăn từng bữa, chủ yếu dựa vào những cây lâu năm như cao su, điều. Tuy nhiên, từ ngày có điện, vùng đất này dường như thay đổi hoàn toàn. Người dân chí thú làm kinh tế, chăm lo con cái học hành, xây dựng nhà cửa và sắm sửa trang thiết bị gia đình…

Sinh sống ở ấp Giáp Lạc hơn 36 năm - anh Trương Văn Tiền, chia sẻ: “Khi có điện vui lắm, náo nức không tả được. Dòng điện về đã làm thay đổi cuộc sống người dân trong ấp. Có điện, ai củng có nhiều dự định, tính toán làm ăn, mua sắm đồ dùng và lên kế hoạch cho tương lai”. Việc trước tiên anh Tiền làm là xây một ngôi nhà mới, khang trang trị giá 300 triệu đồng và mua hàng loạt thiết bị gia dụng như: quạt máy, radio, tivi... Anh Trần Minh Hải ở xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên) đến ấp Giáp Lạc mở trại nuôi gà 5.000 con từ đầu năm 2010 thì cho biết: “Không có điện phục vụ chăn nuôi, tôi phải dùng máy phát điện nên chi phí nhiều, nay có điện, chi phí giảm, lợi nhuận cũng tăng hơn so với trước”.  

 Anh Trương Văn Tiền “tậu” tivi mới để giải trí 

Gia đình ông Trương Văn Thương, bày tỏ niềm vui: “Từ ngày có điện sử dụng, chúng tôi sửa sang lại nhà, làm đẹp khuôn viên ngôi nhà bằng hòn non bộ, trồng hoa, cây kiểng. Đi chợ xa thì mua nhiều thức ăn cho vào tủ lạnh, xem ti vi không lo bị tắt ngang nữa, tinh thần mọi người trong gia đình ai cũng phấn khởi. Tôi mừng nhất là có được cái giếng khoan, không còn phải gánh nước dưới suối xa nửa cây số, chỉ cần kéo cầu dao là có nước ngay, vừa nhanh vừa bảo đảm vệ sinh”.

Cách đây 3 năm, bà Nguyễn Thị Xưa đã ngoài 80 tuổi vẫn phải gánh từng đôi nước từ dưới suối lên dốc cao để sử dụng. Bà Xưa cho biết: “Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng biết tin có điện, hai vợ chồng tôi cảm thấy vui như trẻ lại. Con cháu ở xa gửi về cái tivi nhỏ để xem, rồi radio, có vậy ông bà già này đỡ trống vắng hơn”. Đến ấp Giáp Lạc bây giờ, chúng tôi còn được thấy những chiếc loa phóng thanh treo cao trên trụ điện và âm thanh vang vọng cả vùng cao su xanh mát.

Cuộc sống mới đã về

Hiện ấp Giáp Lạc có 40 hộ dân sinh sống, hơn một nửa là người tạm trú. Từ ngày có điện sử dụng, cái ấp xa xôi này thay đổi, quán xá mở ra, nhiều người lao động nơi xa đến đây sinh sống và lập nghiệp.

Anh TRƯƠNG VĂN TIỀN, Trưởng ấp Giáp Lạc (Tân Mỹ, Tân Uyên) cho biết: Từ ngày ấp có điện, bà con ai nấy đều hồ hởi. Ấp Giáp Lạc có ít hộ dân và sinh sống không tập trung, được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và ngành điện huyện Tân Uyên hướng về đồng bào ở vùng sâu, vùng xa nên lưới điện đã được đầu tư. Có nguồn điện phục vụ sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của bà con trong ấp ngày càng chuyển biến rõ rệt.

Xem tivi, nghe đài, mở mang hiểu biết, anh Trương Văn Tiền nghĩ đến tương lai con cái. Anh quyết định sắm máy vi tính, động viên đứa con gái lớn tuy đã có gia đình, con nhỏ nhưng vẫn cố gắng học tập và trở thành sinh viên năm nhất khoa tiểu học, trường Đại học Thủ Dầu Một. Còn chị Nguyễn Thị Nữ - vợ anh Tiền thì tăng số lượng chăn nuôi gà, heo và trồng hoa màu dưới vườn cao su, cộng thêm vài gốc cây ăn trái như mận, bưởi để khỏi phải đi chợ xa, góp phần cải thiện đời sống. Cũng như anh Tiền, từ ngày có điện sử dụng, anh Trương Văn Thương có thêm động lực lao động nâng cao thu nhập gia đình. Được tiếp cận với phương tiện thông tin đại chúng, anh Thương biết thêm về cách chăn nuôi heo, gà, trồng cây cao su nên sản xuất đạt hiệu quả cao.

Trong căn nhà tình thương của ông bà Nguyễn Thị Xưa thật ấm cúng và vui vầy. Con cháu về sống cùng ông bà và phát triển chăn nuôi. Anh Kim - cháu của bà Xưa nói: “Có điện sản xuất, vợ chồng tôi về sống cùng ông bà và mua máy ấp trứng để chăn nuôi khoảng 200 con gà đẻ. Nhờ chăn nuôi gà thả vườn đã cho gia đình tôi thu nhập ổn định”.

Trên chiếc xe máy dạo quanh ấp Giáp Lạc dưới những vườn cây cao su, thấp thoáng những mái nhà tường, những trại chăn nuôi, chúng tôi cảm nhận rõ một cuộc sống mới đã về với người dân Giáp Lạc…

KIM VÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=305
Quay lên trên