Đau lòng vì thiên tai!

Cập nhật: 04-10-2011 | 00:00:00

Hết bão số 5 rồi đến bão số 6 đã và đang đe dọa một số tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình, quần đảo Trường Sa... Còn ở đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt lên nhanh đã làm nhiều người dân ở các tỉnh thành như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ bị trắng tay, nhiều công trình, cơ sở hạ tầng, đê điều, nhà cửa, vườn tược, cây trái, ruộng lúa... của người dân bị hư hại hoặc bị nước lũ cuốn trôi... Thiệt hại do thiên tai ở các địa phương nói trên khó mà thống kê chính xác được.

Vẫn biết rằng năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa thì không người dân miền Trung cũng như miền Bắc hoặc miền Tây Nam bộ của nước ta trở thành nạn nhân của bão lũ và thật đau lòng, vì dù dự đoán trước nhưng chúng ta chỉ có thể phòng tránh từ xa để hạn chế bớt thiệt hại về người và của cải, tài sản, các công trình, cơ sở hạ tầng... của quốc gia và của người dân chứ không thể nào ngăn chặn được những cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Tuy nhiên, cũng có những vụ thiên tai mà hậu quả để lại nặng nề một phần cũng do con người lơ là trong công tác phòng chống.

Cụ thể là ở đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp mấy ngày qua nhiều địa phương thuộc khu vực này bị thiệt hại nặng nề do lũ. Không chỉ khu vực đầu nguồn mà ngay cả vùng hạ nguồn cũng bị lũ chia cắt đường giao thông, hàng trăm điểm trường phải đóng cửa, lũ đã gây vỡ nhiều đoạn đê làm mất trắng hàng ngàn ha lúa vụ 3 và những con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên mà nguyên nhân ngoài do thiên tai khắc nghiệt, còn là do công tác duy tu bảo dưỡng các tuyến đê ở đây đã không được quan tâm đúng mức trong thời gian qua. Theo thông tin của báo chí, thực tế đến nay mực nước lũ trên sông Cửu Long vẫn chưa bằng đỉnh lũ năm 2000, đỉnh lũ được xác định làm mốc cho các công trình xây dựng, nhất là công trình đê bao, trường học... Nhưng thực tế, nhiều tuyến đê, nền trường học vẫn bị lũ nhấn chìm, đe dọa vì không đáp ứng được độ cao theo quy định. Không chỉ địa phương mới lần đầu tham gia làm đê trồng lúa vụ 3 như Đồng Tháp nên nền đất yếu, mà ngay cả địa phương có kinh nghiệm về xây dựng đê bao bảo vệ lúa vụ 3 như An Giang, những tuyến đê cũng bị lũ “hạ gục”...

Chỉ đạo tại cuộc họp chuẩn bị phòng chống cơn bão số 6 mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các lực lượng, các địa phương tiếp tục cảnh giác, kiên quyết trong các biện pháp phòng chống, xử lý nghiêm khắc các hành vi cố tình không chấp hành lệnh sơ tán, cấm biển. Đồng thời, cần tính đến tình huống xấu nhất để chuẩn bị các biện pháp ứng phó...

Dù bão có tan, dù lũ có rút thì hậu quả để lại của nó là không sao kể xiết. Tỉnh ta may mắn nằm trên địa bàn ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ nhưng “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, thấy người dân mình bỗng chốc tay trắng, bỗng chốc mất người thân, các địa phương phải tìm cách khôi phục, sửa chữa, xây dựng lại cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh, công cộng... ai mà không xót xa, trăn trở. Hơn lúc nào hết bài học luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác trong phòng chống thiên tai, địch họa, đừng để đến khi chuyện đã xảy ra rồi mới lo... phòng chống... và tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” cần được thể hiện và chứng minh cao độ.

 

- VÕ HƯƠNG

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=273
Quay lên trên