Giảm tải chương trình học:Coi chừng dục tốc bất đạt!

Cập nhật: 03-10-2011 | 00:00:00

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2011-2012, yêu cầu đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), thay đổi nội dung chương trình, đổi mới thi cử và xây dựng chính sách đối với nhà giáo... là những vấn đề được các nhà giáo dục đưa ra bàn thảo. Đây là những nội dung then chốt của một cuộc “chấn hưng” nền giáo dục. Trong các vấn đề đó, việc giảm tải chương trình học được các bậc phụ huynh quan tâm nhất. Thế nhưng qua hơn một tháng đầu của năm học mới, chiếc cặp của học sinh vẫn chưa bớt nặng. Đã có không ít dẫn chứng và phân tích cho thấy chương trình học phổ thông hiện đang nặng tính nhồi nhét. Việc học đang là nỗi khổ hơn là niềm vui.

Trước áp lực của dư luận, ngành GD-ĐT đã đề ra mục tiêu giảm tải chương trình học cho năm học mới đối với các bậc học. Việc giảm tải tập trung vào chương trình chuẩn, hướng tới việc điều chỉnh những nội dung kiến thức căn bản nhất. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, có 5 nhóm nội dung được tiến hành giảm tải, bao gồm: Những kiến thức viết trong sách giáo khoa để dạy học ở nhiều môn khác nhau; những nội dung trùng lặp có ở lớp dưới và lớp trên; những câu hỏi, bài tập yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp với trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương; những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại nhằm bảo đảm tính logic. Xét tổng thể, những nội dung điều chỉnh khái quát nêu trên là hợp lý. Tuy nhiên, khi tiếp cận với các phương án giảm tải của từng bộ môn trong từng khối, lớp, bậc học cụ thể thì không ít những người trong cuộc đã chỉ ra nhiều điểm bất cập, không hợp lý trong các nội dung kiến thức thuộc phạm vi điều chỉnh. Sau hơn một tháng thực hiện thì phản ánh chung của nhiều giáo viên là kiến thức giảm một cách không đáng kể, chỉ vụn vặt ở một vài tiết, vài bài.

Đầu năm học mới, Bộ GD-ĐT đã triển khai hướng dẫn điều chỉnh nội dung giảm tải ở bậc tiểu học, THCS, THPT. Tuy nhiên, quỹ thời gian để triển khai việc lấy ý kiến đóng góp của dư luận, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học đối với bản dự thảo điều chỉnh nội dung giảm tải là rất ít, thậm chí quá gấp gáp và có phần vội vàng. Nhiều đơn vị trường học đã không nhận được kịp thời tài liệu hướng dẫn điều chỉnh. Do yêu cầu, một số giáo viên phải tự tìm hiểu thông tin trên mạng internet. Thời gian lấy ý kiến ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn có một tuần, rõ ràng đã ảnh hưởng tới sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đưa ra những ý kiến xác đáng đóng góp cho bản dự thảo của Bộ GD-ĐT. Đó là chưa kể có rất nhiều giáo viên chưa hề được tiếp cận với bản dự thảo để có thể đóng góp được ý kiến.

Thiết nghĩ, với một chủ trương lớn như việc giảm tải chương trình sách giáo khoa, cần phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Bộ GD-ĐT cần dành nhiều thời gian hơn để thu thập ý kiến rộng rãi trong dư luận, từ đó có thể huy động được trí tuệ tập thể của đội ngũ giáo viên các cấp trong cả nước. Cũng là để chuẩn bị tốt về mặt tâm thế cho giáo viên khi áp dụng những nội dung điều chỉnh giảm tải trong thực tiễn giảng dạy. Nhiều luồng ý kiến ủng hộ quan điểm, chủ trương giảm tải để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng, giảm cái gì, giảm như thế nào, mức độ ra sao và có thiết thực theo yêu cầu đề ra, đòi hỏi những người có trách nhiệm phải nghiên cứu nghiêm túc và cân nhắc kỹ lưỡng. Việc giảm tải không phải là một sự “cắt xén” mà phải hoàn thiện chứ đừng cập rập, gấp rút, dục tốc để rồi bất đạt!Nhật Huy
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên