Vừa qua, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 326 về đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022. Theo đó, nhiều kế hoạch, hoạt động sẽ được triển khai hướng đến đối tượng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, nữ công nhân và phụ nữ dân tộc thiểu số. Phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng PBGDPL tỉnh để hiểu rõ hơn về chương trình này.
Trong thời gian tới, nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật sẽ được triển khai hướng đến đối tượng là phụ nữ
- Hiện nay phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở vùng nông thôn rất cần được tuyên truyền PBGDPL, bà đánh giá thế nào về nhóm đối tượng này?
- Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực, vai trò, vị trí của phụ nữ cũng được nâng lên rõ rệt. Ở Việt Nam, phụ nữ chiếm trên 1/2 dân số, là lực lượng lao động, sản xuất trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội song lại thường là đối tượng yếu thế, hạn chế tiếp cận với pháp luật, là nạn nhân của các nạn bạo lực gia đình, nghèo và phụ thuộc... Thời gian qua, công tác PBGDPL nói chung, công tác phổ biến pháp luật cho phụ nữ nói riêng đã được quan tâm và đã có những chuyển biến tích cực, đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay công tác PBGDPL đang bộc lộ một số tồn tại, dẫn đến nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế.
- Theo bà, những khó khăn và thuận lợi khi tuyên truyền pháp luật đến nhóm đối tượng phụ nữ là gì?
- Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội đồng PBGDPL, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về PBGDPL và vai trò chủ đạo của các ngành có liên quan như Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh… đã góp phần triển khai nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức pháp luật của phụ nữ trong tỉnh. Từ đó, công tác PBGDPL đã có được cơ sở pháp lý vững chắc là Luật PBGDPL, công tác này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Tỉnh có những chương trình, chính sách ưu tiên ưu đãi cho vùng xa, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật, các chính sách đối với phụ nữ nông thôn, đồng bào dân tộc. Các quy định của pháp luật hiện nay đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, ngành tư pháp tích cực phối hợp với Hội LHPN tham mưu UBND cùng cấp nhiều chương trình công tác về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; xác định những nội dung trọng tâm tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với đối tượng là phụ nữ nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác tuyên truyền pháp luật đến đối tượng là phụ nữ còn khó khăn, như: Một số địa phương chưa có sự đầu tư đúng mức cho công tác tuyên truyền pháp luật, đặc điểm vai trò phụ nữ phải gánh vác nhiều công việc cho gia đình nên hạn chế trong tham dự tuyên truyền pháp luật. Nội dung, cách thức tuyên truyền đã từng bước có sự đổi mới nhưng còn nhiều cuộc tuyên truyền khô cứng, không thu hút người nghe, chưa thực sự phù hợp đối với đối tượng là phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa.
Khác với nam giới, phụ nữ có những đặc điểm riêng về tâm sinh lý, nhận thức, trình độ khác nhau giữa các nhóm đối tượng nên đòi hỏi có sự tuyên truyền riêng cho phù hợp.
Vẫn còn nhiều phụ nữ chưa được tiếp cận với các quy định của Nhà nước về những quyền và nghĩa vụ của mình. Chính từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật nên một bộ phận phụ nữ không tự bảo vệ được mình và người thân trong hoàn cảnh cụ thể.
Hình thức phổ biến pháp luật mặc dù đã được áp dụng khá đa dạng, phong phú, song nhìn chung hiệu quả chưa cao, có một số hình thức chưa phù hợp với đối tượng tuyên truyền; đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL còn có mặt hạn chế và chưa đồng đều, đặc biệt là ở cơ sở.
- Về công tác phối hợp, Sở Tư pháp có kế hoạch, chương trình phối hợp nào hướng đến đối tượng là phụ nữ, hội viên Hội LHPN, cán bộ tuyên truyền, báo cáo viên pháp luật là nữ? Mục tiêu xây dựng chương trình này như thế nào, thưa bà?
- Làsự tiếp nối chương trình phối hợp trước đây, ngày 21-3-2018, Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh ban hành Chương trình phối hợp số 326/CT-STP-HLHPN về việc đẩy mạnh công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022 với các mục tiêu nhằm tăng cường sự phối hợp trên cơ sở phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm mỗi ngành; kịp thời hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, thúc đẩy việc thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, hội viên phụ nữ; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội làm công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, báo cáo viên pháp luật, tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên; nâng cao hiểu biết của phụ nữ về những quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ trẻ em, nuôi con nuôi, khiếu nại, tố cáo, ma túy, mại dâm, phòng, chống tội phạm... Qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật cho phụ nữ.
Nếu phụ nữ có hiểu biết pháp luật tốt, có ý thức tôn trọng và bảo vệ pháp luật sẽ góp phần không nhỏ vào sự ổn định và phát triển xã hội. Do đó việc nâng cao trình độ, kiến thức của phụ nữ nói chung là việc cần thiết.
- Với chương trình phối hợp trên, phụ nữ vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân nữ tại các doanh nghiệp được quan tâm “đặc biệt” như thế nào trong công tác tuyên truyền pháp luật, thưa bà?
- Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác PBGDPL cho phụ nữ vùng xa, dân tộc thiểu số, công nhân nữ tại các doanh nghiệp, ngoài việc thực hiện các biện pháp đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, củng cố, tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cần quan tâm đến một số vấn đề như: Phối hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn bồi dưỡng và nâng cao kiến thức pháp luật cho chính đội ngũ làm công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là cán bộ Hội LHPN các cấp; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật cho phụ nữ, tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người lao động trong doanh nghiệp, phụ nữ vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các sự kiện như Ngày hội công nhân với pháp luật tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật tại các địa phương hoặc tuyên truyền pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp. Biên soạn và cấp phát tờ gấp pháp luật, trong đó chú trọng cung cấp các thông tin pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ.
Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở để tuyên truyền pháp luật đến đối tượng là phụ nữ nông thôn và thông qua hệ thống loa nội bộ của doanh nghiệp để tuyên truyền pháp luật đến công nhân nói chung và các công nhân nữ nói riêng tại các doanh nghiệp.
Chú trọng tuyên truyền, PBGDPL theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của lao động nữ đối với pháp luật. Tiếp tục phát huy hiệu quả, đẩy mạnh hình thức kết hợp PBGDPL trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hòa giải ở cơ sở khi thực hiện PBGDPL. Thực hiện giải thích, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến từng vụ việc cụ thể đang trợ giúp, tư vấn cho đối tượng, giúp họnâng cao hiểu biết pháp luật, tự điều chỉnh hành vi xử sự phù hợp, tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Xin cảm ơn bà!
“Nội dung chính của Chương trình phối hợp số 326 về đẩy mạnh công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022: Tổ chức triển khai tuyên truyền PBGDPL có hiệu quả những nội dung cơ bản của Hiến pháp và các luật gắn liền với đời sống người dân; thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, trợ giúp pháp lý lưu động cho phụ nữ tại các trung tâm tư vấn pháp luật, khu nhà trọ, các chi hội…; tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái, đặc biệt đối tượng được trợ giúp pháp lý ở nông thôn, vùng xa, phụ nữ làm việc tại các khu công nghiệp; hỗ trợ tư vấn, trợ giúp pháp luật các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái khi có yêu cầu trợ giúp (nhất là các vụ việc do hội phụ nữ các cấp giới thiệu, chuyển gửi); khuyến khích, tạo điều kiện để hội viên hội phụ nữ các cấp có kiến thức pháp luật và đủ điều kiện tham gia làm cộng tác viên tư vấn, trợ giúp pháp lý, trợ giúp pháp lý lưu động, hòa giải ở cơ sở, tham vấn các vụ việc liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người.
Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội LHPN và ngành tư pháp; thực hiện có hiệu quả các quy định về tham gia giám sát của các cấp hội phụ nữ với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
(Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp)
TÂM TRANG (thực hiện)