Giữ lấy cái “uy”

Cập nhật: 22-09-2011 | 00:00:00

Vừa qua, lãnh đạo Bộ Công an đã gửi điện đến các Giám đốc công an các tỉnh, thành; một số đơn vị chức năng để chỉ đạo việc xử lý vi phạm đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự, hình ảnh của cảnh sát giao thông (CSGT). Đây cũng là việc làm cần thiết nhằm củng cố niềm tin, bảo đảm “uy quyền công lực” của lực lượng CSGT trong khi thi hành  nhiệm vụ.

Thời gian gần đây, các cơ quan thông tin đại chúng đã có một số bài viết phản ảnh về sai phạm của cán bộ, chiến sĩ CSGT trong hoạt động tuần tra, cách xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và văn hóa ứng xử... gây bức xúc cho công luận. Với tinh thần trọng thị, lắng nghe; lãnh đạo bộ đã khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể sai phạm, kể cả thẳng tay điều chuyển, đưa ra khỏi lực lượng những “con sâu làm rầu rồi canh”. Hiện nay, toàn ngành đã triển khai kế hoạch kiểm tra đặc biệt nhằm phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm của CSGT trong khi thi hành nhiệm vụ. Người dân được cung cấp số điện thoại đường dây nóng để kịp thời phản ánh thông tin - cũng chính là mở rộng quyền giám sát, hợp tác của cộng đồng trong việc xây dựng xã hội văn minh. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này, đòi hỏi lực lượng CSGT cần tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực công tác, đổi mới phong cách, ứng xử khéo léo đúng mực của người được trao quyền thi hành công vụ; đặc biệt tuân thủ nghiêm điều lệnh khi tiếp xúc, làm việc với dân; qua đó mà nâng vị thế hình ảnh người CSGT nghiêm túc và trong sạch, có “uy” trong mắt người dân.

Dường như chưa khi nào mà CSGT - những người đại diện quyền lực của Nhà nước trong việc bảo vệ trật tự xã hội lại gặp khó khăn, cản trở khi thực thi công vụ nhiều như hiện nay. Chỉ 4 tháng gần đây, tại một số địa phương trong nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tấn công nhằm vào lực lượng CSGT, điều này khiến cho dư luận xã hội bất bình, phẫn nộ. Tính chất của các vụ tấn công này ngày càng liều lĩnh, hung hãn; số chiến sĩ CSGT bị xúc phạm danh dự, bị hành hung, gây trọng thương, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng trong khi thừa hành công vụ ngày càng tăng. Sự chống đối CSGT đang làm nhiệm vụ cũng đồng nghĩa với việc pháp luật đang bị khinh nhờn hoặc các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe đối với bọn côn đồ. Như thế là không ổn, là hoàn toàn xa lạ, không thể chấp nhận với một xã hội mà mọi công dân đều phải sống tuân thủ, chấp hành nghiêm kỷ cương phép nước.

Hai sự kiện nhưng có chung một vấn đề: Tuy có số ít CSGT vi phạm, nhưng không ít CSGT đang nghiêm túc thực thi công vụ cần phải được tôn trọng. Người dân vốn dĩ rạch ròi, công bằng, phân biệt rõ đúng sai. Họ bức xúc khi gặp CSGT có thái độ ứng xử kém, không lịch sự; căm ghét việc “làm luật”, nhận hối lộ; song họ rất trăn trở, cảm thông khi hiểu môi trường làm việc của CSGT vốn gay go, luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, bất trắc. Đối với đa số người dân thì “chuyện nào ra chuyện đó” - mặc dù vẫn có CSGT còn hành vi ứng xử kém, nhũng nhiễu; song đó chỉ là số rất ít so với toàn lực lượng CSGT đang nỗ lực đêm ngày, “dãi nắng, dầm mưa” để lo tròn chức trách, bảo đảm giao thông thông suốt, bảo  vệ sự an toàn tính mạng cho họ khi tham gia giao thông trên những cung đường.

* THANH NHÀN

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên