Hạ lãi suất ngân hàng: Người thoáng vui, kẻ gợn chút buồn!

Cập nhật: 15-03-2012 | 00:00:00

Theo ngành ngân hàng, bản chất việc hạ LS lần này không làm hạ thấp giá trị của VND, do hiện nay so với mức độ lạm phát và tiền gửi USD, VND vẫn có giá. Cụ thể, LS huy động ngoại tệ cao nhất là 2%/năm, cộng với tỷ giá biến động như lời hứa của NHNN trong năm 2012 không quá 3%, nếu gửi ngoại tệ cả năm cao nhất chỉ được lãi 5%. Trong khi đó, với mức lạm phát dự kiến được kiểm soát tối đa 10% trong năm 2012, gửi VND LS 13%/năm, đồng tiền vẫn có giá và người gửi tiền sẽ có lợi nhuận cao gấp hơn 2 lần so với gửi USD.

 Được biết, sau khi hạ LS huy động tới đây mặt bằng LS cho vay cũng sẽ phổ biến từ 14,5 - 16,5%/năm, mức LS cho vay này nếu so với trước đây có thấp hơn, nhưng so với năng lực của doanh nghiệp vẫn còn ở mức cao. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, với đà giảm của lạm phát mỗi tháng khoảng 1% thì trung bình mỗi quý, LS có thể giảm được 1%/năm nên doanh nghiệp sẽ có khả năng vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Một số ý kiến cho rằng cần phải cân nhắc việc giảm LS trong bối cảnh lạm phát có thể tăng trở lại sau đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, Bộ Tài chính cho biết đã tính toán và khẳng định ngay cả khi tăng 10% giá xăng dầu như vừa qua, mức ảnh hưởng đến lạm phát cả năm chỉ ở khoảng 0,64%, còn tác động trực tiếp trước mắt chỉ 0,24% và với mức như thế sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát.

Việc NHNN công bố giảm trần LS huy động lần này chắc hẳn làm một số người có gửi tiền ngân hàng sẽ thoáng gợn chút buồn. Bởi đồng lãi từ đồng vốn tiết kiệm của mình sẽ giảm chút ít, song điều đáng mừng là cả người gửi lẫn ngành ngân hàng đều thực hiện khá nghiêm túc. Nhiều người gửi tiền cũng sẵn sàng tin tưởng vào các ngân hàng. Vì thế, nguồn vốn huy động vẫn dồi dào. Riêng ngành ngân hàng, đến nay hầu hết các ngân hàng đều thực hiện hạ trần LS huy động từ 14%/năm xuống còn 13%/năm và như vậy sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với LS thấp để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, một số thách thức trong thời gian qua vẫn cần sớm được giải quyết. Đó là, ngành ngân hàng cũng cần có biện pháp quản lý thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp. Bởi thực tế thời gian qua, trong khi trần lãi suất huy động chỉ 14%/ năm nhưng vì sao lãi suất cho vay lại tăng đến 19 - 20% thậm chí có ngân hàng cho vay trên 20%/năm? Một chênh lệch giữa “đầu vào” và “đầu ra” trên 5 - 6% liệu có phù hợp, công bằng?

Mặt khác, làm thế nào để bảo đảm lợi ích của người gửi tiền? Bởi xét cho cùng, ngoài đồng lãi có được, họ cũng là người có thiện chí đưa đồng vốn của mình với mong muốn góp viên gạch dựng xây, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước. Vì thế, chỉ số lạm phát trong năm 2012 và đồng tiền tiết kiệm bảo đảm thực dương là vấn đề mà ngành ngân hàng cần quan tâm. Có ý kiến một số chuyên gia kinh tế cho rằng, khi lạm phát được kiềm chế, đồng vốn lưu thông ổn định thì vấn đề bỏ trần lãi suất cần được chú ý. Hãy để cho thị trường quyết định lãi suất huy động lẫn cho vay!

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên