Hiệp định TPP và những lợi ích trông thấy của Việt Nam

Cập nhật: 27-07-2013 | 00:00:00

Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thương mại tự do nhằm kết nối, hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đang ở vòng đàm phán thứ 18, với 12/21 quốc gia trong khu vực đã chính thức tham gia đàm phán, TPP nếu được thông qua sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Với việc tuyên bố tham gia đàm phán TPP từ năm 2010, Việt Nam đang được cho là sẽ nhận được nhiều lợi ích trong xuất khẩu (XK), đầu tư…

Khi Hoa Kỳ, Nhật Bản tham gia

TPP được chính thức khởi động từ Hội nghị cấp cao APEC 2002 bằng việc Chilê, Newzealand và Singapore tiến hành đàm phán. Năm 2005, Brunei xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập. Năm 2008, Úc, Hoa Kỳ - một thị trường XK lớn nhất của Việt Nam chính thức tuyên bố đàm phán. Năm 2012 Malaysia và Việt Nam cũng bắt đầu tham gia TPP. Năm 2012, Canada và Mexico hưởng ứng đàm phán và đặc biệt Nhật Bản, một cường quốc trong khu vực cũng chính thức tham gia từ vòng đàm phán thứ 18 diễn ra tại Malaysia từ ngày 15 đến 25-7-2013.

Cùng với dệt may, ngành sản xuất giày dép xuất khẩu sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn khi Việt Nam tham gia TPP. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Thái Bình Shoes Group

Vì sao Hoa Kỳ lại nhanh chóng tham gia vào TPP? Như đã biết, khủng hoảng tài chính lan rộng từ Hoa Kỳ năm 2007 và hiện nay cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu vẫn chưa có hồi kết, đã làm Hoa Kỳ buộc phải tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình trong khi kinh tế Trung Quốc đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng. WTO với vòng đàm phán Doha từ năm 2001 đến nay vẫn chưa được các thành viên đồng thuận và dần rơi vào bế tắc. Thị trường APEC hình thành từ năm 1989 với 21 quốc gia thành viên, đại diện cho trên 40% GDP toàn cầu nhưng kết nối còn khá lỏng lẻo. Vì vậy, Hoa Kỳ thấy rằng, các hướng ra cho XK của nước này thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) dường như chỉ thông qua TPP là khả thi nhất. Mặt khác, khi tham gia TPP, Hoa Kỳ còn gia tăng lợi ích trong chính sách kinh tế và đối ngoại với Đông Nam Á, đưa Hoa Kỳ hội nhập sâu hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương; mở rộng thị trường và tăng cường XK; khắc phục tình trạng bị đứng ngoài một khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới do việc gia tăng các FTA trong khu vực mà Hoa Kỳ không tham gia… Vì vậy, Hoa Kỳ đã nhanh chóng tham gia TPP và chủ động đề xuất các vấn đề trong đàm phán.

Về phía Nhật Bản, nhận thấy lợi ích từ TPP, tại Hội nghị APEC 2010, đã tán thành việc thiết lập mục tiêu của các cuộc đàm phán TPP xoay quanh 6 vấn đề: Quyền sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật thương mại, viễn thông và thương mại điện tử, dịch vụ và đầu tư; đồng thời chính thức tuyên bố tham gia đàm phán TPP năm 2013.

Lợi ích của Việt Nam

“Tham gia Hiệp định TPP, một cấu trúc quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại. TPP cũng sẽ giúp Việt Nam có thêm được những điều kiện tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và khu vực nói riêng, nâng cao được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…”.

TPP với nội dung cơ bản là tự do hàng hóa một cách mạnh mẽ, thuế suất xuất nhập khẩu nội khối gần như được xóa bỏ hoàn toàn và hầu hết xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Chính vì vậy, mở rộng XK và thu hút đầu tư là 2 lợi ích to lớn của Việt Nam khi tham gia vào Hiệp định TPP. Với sự xuất hiện của Hoa Kỳ và Nhật Bản (một quốc gia hiện đang là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, một quốc gia cũng là một thị trường XK lớn và được xác định là đối tác đầu tư chiến lược của Việt Nam), trong TPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh XK, tăng cường thu hút đầu tư.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có tổng kim ngạch XK lớn hơn 200% GDP với các thị trường XK chính là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Ngoài thị trường ASEAN +6 (trong đó có Nhật Bản) vốn đã có FTA, còn lại thị trường Hoa Kỳ, XK của Việt Nam chưa được hưởng lợi thế từ FTA. Riêng thị trường EU, hiện FTA mới chỉ đang đàm phán. Chính vì chưa có FTA nên hàng hóa XK của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đang phải cạnh tranh rất gay gắt đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là đối với hàng dệt may và giày dép. Đơn cử, với hàng dệt may XK sang Hoa Kỳ, một thị trường chiếm tới 50% kim ngạch XK dệt may, đang phải chịu mức thuế suất bình quân 17,5%. Khi tham gia TPP, thuế suất xuất nhập khẩu nội khối trở về bằng 0, sẽ tạo ra cú hích lớn cho hàng XK Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, trong đó dệt may, giày dép sẽ có được cơ hội rõ rệt nhất. Theo ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, chỉ có những nước đồng minh với Hoa Kỳ và những quốc gia nghèo ở châu Phi mới được hưởng thuế suất ưu đãi tại thị trường Hoa Kỳ. Khi Việt Nam tham gia TPP, thuế suất XK sang thị trường này bằng 0, các DN XK sẽ có được lợi thế cạnh tranh cực lớn… Chính vì vậy, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố đàm phán TPP, Việt Nam cũng đã chủ động tham gia đàm phán vì đây là con đường ngắn nhất để hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường Hoa Kỳ.

Mặt khác, khi tự do hóa thương mại, hàng rào thuế quan được bãi bỏ tại các thị trường XK trọng điểm, điều này cũng có nghĩa là môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ có thêm sức hút rất lớn. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy được lợi ích khi đầu tư sản xuất để XK tại Việt Nam. Do đó, khi Việt Nam tham gia TPP sẽ tạo ra một động lực, nắn dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, trong đó có nguồn vốn đầu tư còn rất tiềm năng từ Hoa Kỳ. Đặc biệt, đối với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển, tham gia TPP với yêu cầu xuất xứ hàng hóa nội khối sẽ mở ra hướng giải quyết vấn đề khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, khi công nghiệp phụ trợ phát triển, nguyên phụ liệu sản xuất nhập khẩu sẽ giảm, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng. Hơn thế nữa, cùng với việc tăng cường được XK, nhập siêu của nền kinh tế chắc chắn sẽ được kiềm chế.

Khu vực TPP chiếm tới 40% GDP toàn cầu

Trong quá trình đàm phán TPP, các đoàn đàm phán từ các quốc gia sẽ phải thảo luận và thống nhất 29 đầu mục. Đến nay một số đầu mục đã đạt được sự nhất trí như 5 vấn đề về tạo điều kiện thuận lợi trong thương mại, thống nhất tiêu chuẩn, viễn thông, phát triển DN nhỏ và vừa. 9 nhóm đầu mục khác đang được đàm phán ở khâu cuối cùng và dự báo sẽ sớm đạt được thống nhất trong nay mai.

Nếu TPP được ký kết, sẽ hình thành nên một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với trên 792 triệu dân số, đóng góp khoảng 40% GDP và 1/3 tổng giá trị kim ngạch thương mại toàn cầu. Mục tiêu tiếp theo của TPP là hướng đến hình thành FTA khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên