Hội Nông dân Dầu Tiếng: Phát huy lợi thế, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Cập nhật: 18-03-2024 | 08:03:02

Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã vận động xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân các chương trình tín dụng; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao.

Hỗ trợ sản xuất

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên ông Lê Văn Kiểm ở ấp Hốc Măng, xã Long Tân (huyện Dầu Tiếng) đã tiết kiệm được chi phí sản xuất trong chăn nuôi, trồng trọt và phát triển kinh tế gia đình. Ông Kiểm đang canh tác chăn nuôi, trồng trọt trên diện tích đất 10ha. Để có được hiệu quả như ngày hôm nay, ông đã chủ động học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham quan học hỏi các mô hình có hiệu quả do Hội Nông dân tổ chức. Sau khi nắm chắc được kỹ thuật, ông áp dụng vào chăm sóc cây cao su, nuôi heo và nuôi rùa. Mô hình canh tác của ông đã tạo việc làm cho 7 lao động với thu nhập 12 triệu đồng/người/tháng.

Nông dân huyện Dầu Tiếng tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Không chỉ ông Kiểm, nhiều hội viên nông dân cũng đã được hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) từ hoạt động của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện. Hội Nông dân huyện luôn xác định phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm của hội, được hội gắn với thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết, dịch vụ hỗ trợ nông dân.

Phong trào nông dân SXKD giỏi đã thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại và hợp tác xã tại huyện Dầu Tiếng phát triển mạnh mẽ. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân tiêu biểu, như: Trang trại tổng hợp của ông Tống Văn Hướng ở xã Minh Hòa; mô hình nuôi chim yến của bà Vũ Thị Tuất ở xã Minh Tân; mô hình trang trại tổng hợp của ông Lê Quang Minh ở xã An Lập, mô hình trồng măng cụt của ông Nguyễn Văn Tỵ ở xã Thanh Tuyền; mô hình trại gà, vịt lạnh của ông Nguyễn Tiến Hiếu ở xã Long Tân... Các mô hình trên cho thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí từ 2-4 tỷ đồng và còn nhiều mô hình đang được nông dân địa phương duy trì, đạt hiệu quả kinh tế cao...

Theo đó, Hội Nông dân các cấp đã vận động xây dựng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân các chương trình tín dụng; phối hợp các ngành của tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao. Bên canh đó, các tổ chức hội phối hợp dạy nghề, tổ chức các buổi hội thảo giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình.

Song song với tạo vốn, Hội Nông dân các cấp tại địa phương thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo với các chuyên đề kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bón phân, phòng chống dịch bệnh...

Đoàn kết, xây dựng nông thôn mới

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi được Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia góp phần nâng cao chất lượng và giữ vững tiêu chí về NTM; đồng thời tiếp tục phối hợp thực hiện kế hoạch xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Hội Nông dân trên địa bàn còn phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể vận động hội viên nông dân đóng góp tu sửa, làm mới và nâng cấp đường giao thông nông thôn; sửa chữa kênh mương, cầu, cống...

Mặt khác, 12/12 cơ sở hội đã xây dựng mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt 100% chỉ tiêu giao. Trong đó, hội đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện lắp đặt các bẫy đèn phòng trừ sùng trắng hại rễ cao su nhằm hạn chế sâu rầy, giảm chi phí, tăng sản lượng cho nông dân; lắp đặt điểm đặt ống cống chứa rác là những chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng để bảo vệ môi trường nông thôn.

Tích cực tham gia xây dựng NTM, các cơ sở hội đã thực hiện mô hình tuyến đường “Nông dân tự quản” ở các khu phố, ấp. Hội Nông dân các cơ sở còn vận động hội viên nông dân tự lắp bóng đèn trước ngõ, giúp hạn chế tai nạn giao thông và nhân rộng các tuyến đường hoa. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của huyện ngày càng đổi mới.

K.TUYẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên