Khi nhà doanh nghiệp làm thầy

Cập nhật: 04-12-2017 | 08:23:59

Theo xu hướng đổi mới giáo dục - đào tạo đại học (ĐH), những năm gần đây nhà trường ngày càng gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) trong hoạt động đào tạo. Không dừng lại ở đó, các trường còn mời DN cùng tham gia giảng dạy cho sinh viên của nhà trường.

 Sinh viên trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương tìm cơ hội việc làm tại ngày hội việc làm do nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức

 Đào tạo theo hướng mở

Đổi mới để phát triển, các trường ĐH đã liên tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Ngoài trang bị kiến thức vững chắc cho sinh viên (SV), nhà trường còn tạo nhiều cơ hội cho các em được tiếp xúc với DN qua những tiết học về chuyên môn, giáo dục các kỹ năng mềm. Trường ĐH Thủ Dầu Một đề ra chiến lược phát triển theo ĐH định hướng ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực thực học, thực làm, đáp ứng hiệu quả nhu cầu thị trường lao động. Ngay từ những ngày đầu thành lập, trường luôn xem trọng sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo tại trường với hoạt động thực tập thực tế tại các DN. Nắm bắt xu hướng mở của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trường triển khai xây dựng đội ngũ giảng viên thực hành để đáp ứng hiệu quả mô hình đào tạo theo định hướng ứng dụng của trường. PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đội ngũ giảng viên thực hành có thể là những giảng viên đang giảng dạy tại trường, có thể là chính những chuyên gia đang làm việc tại các DN. Với những kinh nghiệm tích lũy qua thời gian công tác, họ sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cho SV tích lũy kiến thức, kỹ năng trong môi trường làm việc thực tế. Tiếp xúc với các SV khoa công nghệ thông tin - điện điện tử của trường ĐH Thủ Dầu Một, SV tỏ ra hào hứng khi có một số tiết được học với nhà DN, vì có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng lao động và học từ họ những kinh nghiệm, kỹ năng, tác phong làm việc. Được biết, chỉ riêng khoa này đến nay đã mời 17 chuyên gia từ DN tham gia giảng dạy cho SV.

Cùng với xu hướng phát triển của thời đại, những năm gần đây trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương cũng tích cực đổi mới trong hoạt động đào tạo. Theo kế hoạch dài hạn, nhà trường mời chuyên gia có kinh nghiệm thực tế đến trường giảng dạy các ngành như kế toán, tài chính ngân hàng, điện - điện tử… TS Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi ngành đào tạo trường đều xây dựng 3 chuyên đề và mời nhà DN đến giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Những chuyên gia này cũng tham gia vào hội đồng khoa học của trường để đóng góp cho chương trình đào tạo. Ông Vũ Đình Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Kiên Long cũng cho biết: “Tôi có tham gia dạy các kỹ năng cho SV như kỹ năng học ĐH, giao tiếp, lập mục tiêu. Qua đó, giúp các em có nền tảng cơ bản trong quá trình học tập và khi đi làm”.

Cơ hội việc làm cao

Rõ ràng, khi gắn kết với DN trong hoạt động đào tạo thì hiệu quả đào tạo tăng lên rõ rệt. Theo thời gian, tỷ lệ SV ở các trường ĐH có việc làm sau tốt nghiệp có xu hướng tăng lên. Với các DN, khi có sự mời gọi từ phía nhà trường họ sẵn sàng tham gia vì đôi bên sẽ cùng có lợi. Và khi tiếp xúc trực tiếp với SV, DN biết các em còn thiếu những kỹ năng gì để bổ sung kịp thời. Từ chỗ được đối thoại trực tiếp với SV, nhà tuyển dụng tìm ra những gương mặt sáng giá và tiếp nhận các em vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Kết quả khảo sát của trường ĐH Bình Dương cho biết, năm 2017 trong số 450 SV tốt nghiệp, có 417 em có việc làm sau tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 92%, trong đó 56,03% làm việc đúng chuyên ngành. Ông Cao Việt Hiếu, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương nhận định, công tác đào tạo nguồn nhân lực của nhà trường đáp ứng được nhu cầu của DN, SV ra trường có việc làm cao và ổn định. Sắp tới trường sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho SV; tăng cường công tác thực hành thực tế, hàng năm tổ chức cho các em tham quan thực tế tại DN nhằm định hướng nghề nghiệp cho SV. Ngoài ra, trường sẽ mời các DN nước ngoài thuộc các hiệp hội Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản đến trao đổi và nói chuyện với SV về cơ hội nghề nghiệp, nhu cầu tuyển dụng và yêu cầu tuyển dụng đối với các DN nước ngoài.

Trên đây là những tín hiệu khả quan từ việc nhà trường gắn kết với DN trong đào tạo. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa thực sự phát triển mạnh do nhiều lý do khác nhau. Theo hiệu trưởng một trường chuyên nghiệp, cái khó hiện nay là yêu cầu DN muốn tham gia giảng dạy phải có chứng chỉ sư phạm. Do đó, trong khi các trường ngoài công lập mạnh dạn mời DN giảng dạy, thì trường công còn e ngại, vì vậy cần khai thông vướng mắc này để SV có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhà DN, đồng thời cũng là nhà tuyển dụng các em sau này.

 A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=479
Quay lên trên