Kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Cập nhật: 14-04-2023 | 08:51:19

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu vừa có buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và 5 tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ (gồm Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh) nhằm rà soát, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư, thúc đẩy phát triển.

Khó khăn do luật chồng chéo

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ đã báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong quý I-2023, đồng thời nêu lên những nỗ lực vượt qua các thách thức, khó khăn trong tình hình hiện nay. Lãnh đạo các địa phương đã nêu sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, điều hành cũng như thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã nêu ra những khó khăn tỉnh đang gặp phải trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn giá đất. Theo ông Võ Văn Minh, công tác xác định giá đất cụ thể phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tính nghĩa vụ tài chính về đất trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện đúng quy định, cơ bản sát với giá đất chuyển nhượng phổ biến trên thị trường, hài hòa giữa quyền lợi của Nhà nước và người sử dụng đất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số vướng mắc, khó khăn do quy định pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là tư vấn nghĩa vụ tài chính về đất gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, một số đơn vị đã từng tham gia tư vấn thẩm định giá cho địa phương không tiếp tục tham gia tư vấn; một số đơn vị không còn năng lực thực hiện tư vấn giá đất; các đơn vị được mời gọi đều từ chối tham gia dịch vụ tư vấn.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu kiến nghị những vướng mắc, khó khăn cần Chính phủ giải quyết

Ông Võ Văn Minh kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, tổ công tác xem xét chấp thuận cho Bình Dương áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu nghĩa vụ tài chính cho các khu đất có giá trị trên 20 tỷ đồng; có giải pháp thu hút được những đơn vị có chức năng thẩm định giá tham gia tư vấn giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất, góp phần thực hiện thu ngân sách và thực hiện các dự án đầu tư.

Cũng tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh đã nêu ra những vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư. Ông Võ Văn Minh cho biết theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, trường hợp chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì bên chuyển nhượng phải làm thủ tục tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước; bên nhận chuyển nhượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư đúng theo tiến độ đã được phê duyệt.

Về việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất trong trường hợp này theo quy định pháp luật đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 80/2017/TT-BTC ngày 2-8-2017, đối với bên chuyển nhượng (tự nguyện trả lại đất) được Nhà nước hoàn trả lại giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian còn lại theo đơn giá bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành (tại thời điểm thu hồi đất). Đối với bên nhận chuyển nhượng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), phải xác định lại và thu nộp nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) tại thời điểm được Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất theo đơn giá đất cụ thể.

“Như vậy, mặc dù bên chuyển nhượng dự án đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, nhưng khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài thì bên nhận chuyển nhượng không được kế thừa phần nghĩa vụ tài chính mà bên chuyển nhượng đã nộp là khác với bên nhận chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân trong nước”, ông Võ Văn Minh, nói. Trước những khó khăn nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, tổ công tác nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi các chính sách về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo hướng bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư.

Thiếu quỹ đất phát triển công nghiệp

Tại buổi làm việc, một số tỉnh đã nêu ra vấn đề khó khăn về thiếu quỹ đất để phát triển công nghiệp. Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết hiện nay đất khu công nghiệp thực tế của tỉnh Bình Phước trên 6.800 ha, nhưng chỉ được phê duyệt 4.258 ha, do đó kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung chỉ tiêu điều chỉnh đất công nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư cũng như tạo nền tảng cho tỉnh phát triển.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 80% và đất ở các vị trí đẹp đã hết. Vì vậy việc thu hút đầu tư bị chững lại. Vừa qua, tỉnh bổ sung được 6.500 ha để phát triển công nghiệp và đã có các nhà đầu tư mong muốn hợp tác nhưng chưa được Chính phủ phê duyệt. Ông Cao Tiến Dũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt đất khu công nghiệp cho Đồng Nai, tạo thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư. 

Trước những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành của Trung ương phải kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện để các địa phương thu hút các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương sớm có văn bản về những vướng mắc, khó khăn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo thực hiện cụ thể theo tinh thần có thời gian, mục tiêu rõ ràng.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên