Khi điều khiển xe máy lưu thông trên đường bắt buộc người ngồi trên xe phải đội nón bảo hiểm. Đây là cách để bảo vệ chính người chạy xe. Mỗi người phải coi đây là trách nhiệm để bảo vệ mình. Tuy nhiên, nhiều người lại không cho như vậy, họ coi đó như một cách để đối phó với cơ quan chức năng. Vậy lỗi này thuộc về ai?
Một nhóm thanh niên không đội nón bảo hiểm và chạy xe nghênh ngang trên đường
Thực tế có nhiều trường hợp, nhất là các bạn trẻ khi ra đường thường “không thích” đội nón bảo hiểm vì nhiều lý do như sợ hư kiểu tóc, không “bản lĩnh”... Và khi không bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt thì họ coi đó như là một thành tích của mình. Đáng buồn thay đó là những “thành tích” không đẹp. Có nhiều trường hợp sau va chạm giao thông, người điều khiển xe máy ngã xuống đường một cách thụ động, đầu đập xuống đường. Rất may họ có đội nón bảo hiểm nên đầu được bảo vệ sau va chạm, tránh được thương vong.
Một chiến sĩ Cảnh sát giao thông tham gia tuyên truyền pháp luật cho công nhân tại các công ty đóng trên địa bàn TX.Thuận An từng tâm sự rằng khi tuyên truyền, một trong những nội dung các anh chú trọng nhất là vận động người đi đường đội nón bảo hiểm. Ý thức của một số người chưa cao, họ đội chỉ mang tính đối phó. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, phân tích, nhiều người nhận ra rằng mình chỉ có lợi khi đội nón bảo hiểm, từ đó họ chấp hành tốt hơn.
Việc tuyên truyền là nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi công dân. Nếu ở gia đình, nhà trường và tại nơi làm việc đều kêu gọi mọi người nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, trong đó có việc đội nón bảo hiểm, nhưng cá nhân không chấp hành là lỗi của ai? Câu trả lời là lỗi do ý thức của cá nhân đó kém, họ cũng không lường trước được nguy hiểm mình phải đối diện khi xảy ra va chạm giao thông trên đường!.
L.T.PHƯƠNG