Lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp mang lại nhiều lợi ích

Cập nhật: 26-09-2023 | 08:44:14

Năm nay, chủ đề Ngày Tránh thai thế giới (26-9) là “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai (BPTT) phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn”. Để hiểu hơn về chủ đề này cũng như những hoạt động hưởng ứng mà ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh triển khai thực hiện, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Chi cục phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh.

 Truyền thông nâng cao nhận thức về KHHGĐ cho người ở trọ tại xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên

- Việc thực hiện các BPTT phù hợp có ý nghĩa như thế nào trong công tác DS-KHHGĐ, thưa bác sĩ?

- Thực hiện các BPTT phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng và được điều chỉnh theo tình hình thực tế địa phương nhằm khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai để không mang thai ngoài ý muốn, vì lợi ích của chính mình và cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ.

 Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, khuyến khích mọi người dân chủ động hành vi mang thai vì lợi ích của chính mình và cộng đồng. Chủ đề “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn” nhằm truyền thông nâng cao nhận thức cho mọi người, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về lợi ích của việc tránh thai, giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và SKSS.

Trước đây, trong giai đoạn tổng tỷ suất sinh (TFR)/mức sinh thay thế > 2,1 con/phụ nữ), việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện BPTT chủ yếu tập trung vào các BPTT lâm sàng, như: Đặt vòng tránh thai, cấy tránh thai, triệt sản nam, triệt sản nữ… nhằm mục đích hạn chế số con trong mỗi gia đình, dần đưa TFR về mức sinh thay thế. Tuy nhiên, với thời điểm hiện tại khi 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp (TFR < 2,1 con/phụ nữ), trong đó có Bình Dương (năm 2022 TFR là 1,42 con/phụ nữ) thì việc vận động các đối tượng thực hiện BPTT có sự khác nhau theo từng nhóm đối tượng. Cụ thể, đối với các cặp vợ chồng mới kết hôn chưa muốn sinh con ngay và các cặp vợ chồng mới sinh một con thì sẽ vận động họ lựa chọn các BPTT phi lâm sàng, như: Thuốc tránh thai, bao cao su… Ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ cho các cặp vợ chồng, chúng ta còn vận động họ sinh đủ 2 con nhằm từng bước nâng mức sinh lên mức sinh thay thế.

Vì thế, việc chọn và thực hiện BPTT phù hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với những đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Trước hết là giúp họ chủ động trong việc sinh con. Việc phòng, tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động về thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Thứ hai là tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con quá sớm, quá dày hoặc quá muộn, đặc biệt ở phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý sẽ hạn chế được các tai biến sản khoa cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn làm tăng tỷ lệ dị tật thai. Còn đẻ nhiều, đẻ dày khiến người phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là thai chết lưu và suy dinh dưỡng… Thứ ba là nâng cao chất lượng đời sống ở mỗi gia đình. Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, các gia đình có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao đời sống, kinh tế gia đình.

- Để tránh thai an toàn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ cần quan tâm đến vấn đề gì, thưa bác sĩ?

- Để tránh thai an toàn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ cần lưu ý mỗi BPTT đều có những tác dụng và ưu điểm nhất định tùy vào hoàn cảnh, điều kiện sức khỏe, kinh tế, tâm lý. Mỗi người có thể lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp với bản thân để không mang thai ngoài ý muốn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Quyết định chọn loại BPTT và phương pháp sử dụng là quyết định cá nhân của mỗi người. Mặc dù hầu hết các BPTT đều có hiệu quả cao khi được sử dụng đúng cách, tuy nhiên không có BPTT nào có thể bảo vệ hoàn toàn người sử dụng. Nhân viên y tế có thể hướng dẫn, tư vấn cho người sử dụng nên sử dụng phương pháp nào phù hợp và tốt nhất cho mỗi cá nhân để tránh thai an toàn và hiệu quả.

Khi lựa chọn BPTT, người sử dụng nên cân nhắc một số điều sau: Tình trạng sức khỏe cá nhân; mong muốn có con trong tương lai; an toàn và hiệu quả của BPTT được lựa chọn; mức độ thoải mái của bản thân với BPTT đã chọn.

- Thưa bác sĩ, hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới năm nay, Chi cục DS-KHHGĐ cũng như các địa phương sẽ tập trung vào những hoạt động cụ thể nào để nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về ý nghĩa, lợi ích của việc tránh thai an toàn, chủ động?

- Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới năm nay, tại tuyến huyện, chi cục đã ban hành công văn hướng dẫn nội dung truyền thông hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới. Nội dung truyền thông tập trung vào các hoạt động cụ thể, như: Phối hợp với Đài truyền thanh huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn tăng cường thời lượng phát sóng, đăng tải các tin bài, phóng sự về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các BPTT an toàn, phòng tránh thai chủ động...; tổ chức các sự kiện truyền thông phù hợp với thực tế mỗi địa phương, như: Mít tinh, hội thảo, hội nghị, hội thi, hội diễn, tọa đàm, treo băng rôn... về chăm sóc SKSS/ KHHGĐ, phòng tránh thai cho vị thành niên, thành viên, nam, nữ, vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Các địa phương vận động người dân, nhất là đội ngũ làm công tác y tế - dân số, cộng tác viên dân số tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi trên nền tảng mạng xã hội nhân Ngày Tránh thai thế giới do Tổng cục DS-KHHGĐ phát động; lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác tại địa phương.

Tại tuyến tỉnh, ngoài kế hoạch tổ chức hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới, chi cục còn treo 180 băng rôn tuyên truyền trên các trục đường chính trung tâm TP.Thủ Dầu Một; chạy đèn led trước Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh. Chi cục cũng đã phát động hưởng ứng cuộc thi trên internet do Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức nhân Ngày Tránh thai thế giới năm 2023 với tên gọi “Chủ động tránh thai - Chủ động tương lai”. Ngoài ra, chi cục tiếp tục tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ trên các kênh truyền thông đại chúng của tỉnh, các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook của chi cục…

- Xin cảm ơn bác sĩ!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=451
Quay lên trên