Luật phòng chống tác hại thuốc lá: Chưa đi vào thực tế!

Cập nhật: 11-05-2013 | 00:00:00

Đã hơn 10 ngày kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực thi hành, nhưng nhiều nơi công cộng trên địa bàn tỉnh, khói thuốc vẫn vô tư bay, người dân vẫn thờ ơ với quy định và cơ quan chức năng thì bối rối về hình thức xử lý… Điều này khiến không ít người cho rằng luật đã có hiệu lực nhưng chưa đi vào thực tế.

Coi thường mạng sống chính mình

Hút thuốc lá từ lâu đã được cảnh báo là tác nhân gây ra rất nhiều loại bệnh nguy hiểm. Nhưng bỏ ngoài tai những cảnh báo này, khoảng 15 triệu người Việt Nam hàng ngày vẫn vô tư hút thuốc lá. Việt Nam hiện “lọt” vào nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới và hút thuốc lá nơi công cộng rất phổ biến (thống kê của Tổ chức Y tế thế giới - WHO). Trung bình mỗi ngày Việt Nam có đến trên 100 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, cao gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ.

Khi một người hút một điếu thuốc, chỉ khoảng 15% khói thuốc thực sự được hít vào bởi người hút, 85% còn lại của khói thuốc được thả vào không khí. (Trong ảnh: Người phụ nữ này vẫn vô tư hút thuốc lá ngay tại khu chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Khoa nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là nơi hàng ngày đã tiếp nhận không ít bệnh nhân mắc các chứng bệnh do hút thuốc lá. Ông Trần Văn Tiều (66 tuổi, xã An Sơn, TX.Thuận An) là một trong số nhiều trường hợp mắc chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nguyên nhân do hút thuốc lá. Trong dáng bộ gầy gò, xanh xao và đang trợ thở bằng ống thở ôxy, ông Tiều kể: “Tôi bắt đầu hút thuốc từ những năm 16, 17 tuổi. Ban đầu là tập hút để làm việc không buồn ngủ nhưng hút lâu dần thành quen, không hút thì thấy buồn, thiếu. Thời điểm hút nhiều nhất là nửa bao/ngày, sau giảm dần 3 điếu/ngày”. Vợ ông Tiều cho biết, ông chỉ mắc duy nhất chứng bệnh này và cấp độ ngày một tăng. Vài năm trước, thi thoảng ông mới phải nhập viện nhưng dạo gần đây, ông tái nhập viện liên tục, có khi là 2 lần/tuần với các triệu chứng khó thở, ho đàm…

Cũng trong tình trạng khó thở, ông Nguyễn Văn Bé (60 tuổi, phường Phú Lợi, TP.TDM) mới nhập viện trở lại cho biết, ông là người nghiện thuốc lá từ hồi… 8 tuổi. “Ngày đó, tôi bị bạn bè rủ rê rồi hút, riết thành ghiền, cũng nhiều lần cai nghiện thuốc nhưng sau một thời gian nhìn thấy lại thèm. Đến khi thấy sức khỏe mình cứ xuống dần, nghẹt thở, ho đàm… chưa đi khám đã biết mắc bệnh do đâu rồi” - ông Bé nói. Nhìn dáng vẻ gầy gò của mình, ông Bé như thanh minh: “Trước đây tôi cũng to khỏe lắm chứ, nhưng do ho nhiều nên dần người còn…bộ xương thế này đây”. Vừa nói, ông vừa nhìn sang vợ như để tìm kiếm đồng minh.

Thực tế, theo lý giải của những người trong cuộc, họ hiểu rất rõ tác hại của thuốc lá (như nghiện thuốc lá là một bệnh lý rối loạn tâm thần; nghiện thuốc lá gây ra đột quỵ, tai biến mạch máu não, bệnh phổi tắc nghẽn cho bản thân, hen suyễn cho con cháu…) nhưng cũng có tới hàng ngàn lý do khiến họ bị tái nghiện . Trong đó nhiều người thừa nhận họ bị nicotine, một chất gây nghiện được xếp tương đương cocain “trói chặt”. Vì vậy, dẫu biết là có hại nhưng họ “làm lơ” với sức khỏe của mình, chờ đến khi sức khỏe quá yếu mới bắt đầu lo lắng thì e đã quá muộn!

Luật chưa đi vào thực tế

Khảo sát một số địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá tại TP.Thủ Dầu Một như: Bến xe tỉnh, Công viên Phú Cường, Bệnh viện Nhi và phụ sản Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh… rất dễ để bắt gặp hình ảnh những người vô tư hút thuốc chốn đông người nhưng rất khó để thấy có ai tới nhắc nhở, kiểm tra. Thậm chí, khi đi thực tế ở một số nơi như bến xe, công viên… chúng tôi rất khó tìm thấy bảng treo cấm hút thuốc lá!

Cai được hay không là ở ý chí cá nhân!

“Việc bỏ hút thuốc gần giống như ra trận, ở đây bạn chiến đấu với chính sự thèm muốn của mình. Vào một ngày đẹp trời, tôi ngồi tính lại xem mình đã hút thuốc lá chẵn 15 năm. Thế là tôi nói với bà xã từ ngày mai tôi bỏ thuốc lá, nhưng bà ấy không tin tôi có thể làm được việc này. Thế là từ sáng hôm sau, tôi ngưng hút thuốc, đến nay là hơn 8 năm rồi. Nhiều người hỏi bí quyết là gì, tôi chỉ vào cái đầu, vấn đề là mình có quyết tâm hay không, bởi người nghiện thuốc lá có 1.001 lý do biện minh cho hành vi hút thuốc”. (Anh Nguyễn Quang Huy, 47 tuổi, phường Bình Hòa, TX.Thuận An)

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về trường hợp bệnh nhân nhập viện do hút thuốc lá, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến (khoa Nội 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nói: “Phần lớn những người hút thuốc lá đều mắc các chứng bệnh về đường hô hấp như phổi tắc nghẽn mãn tính, thậm chí là ung thư phổi. Đây là bệnh có diễn tiến chậm và càng ngày càng nặng. Hầu hết bệnh nhân biết hút thuốc là có hại nhưng do thuốc chứa chất gây nghiện nên việc bỏ là rất khó. Các triệu chứng mà người bệnh hay gặp nhất là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết chất nhày và đờm. Bệnh nhân thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển. Nhiều trường hợp mắc bệnh, khi nhập viện vẫn nói dối bác sĩ là đã bỏ thuốc hoặc lén lút hút thuốc”. Riêng đối với trường hợp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tới điều trị tại bệnh viện vẫn hút thuốc khi luật đã ban hành, bác sĩ Yến cho biết: “Việc nhắc nhở bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không được hút thuốc trong bệnh viện là việc làm thường xuyên. Bảng cấm cũng được treo hầu khắp các khoa khám bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân nhập viện ra vào hàng ngày nên không thể bao quát hết. Thậm chí, nhiều người khi được nhắc nhở còn tỏ vẻ khó chịu, hậm hực dù thái độ của các y, bác sĩ đã rất mềm mỏng…”.

Việc triển khai quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng cấp thiết cần được triển khai trong đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện. Vì vậy, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Thế Cuộc cho biết: “Đoàn cơ sở đã phối hợp với Công đoàn thành lập đội không hút thuốc lá. Thực hiện tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở người bệnh 2 lần/tuần. Nhân viên của bệnh viện nếu sai phạm cũng sẽ bị kỷ luật, hạ bậc thi đua. Sắp tới, chi đoàn sẽ tham mưu lãnh đạo đưa tiêu chí tuyên truyền không hút thuốc lá vào hoạt động thi đua của chi đoàn”.

Ai cũng hiểu Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ra đời là rất hữu ích, sẽ góp phần giảm tỷ lệ các bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống đối với người chung quanh. Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện còn nhiều bất cập, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải bổ sung, điều chỉnh để luật đi vào thực tiễn một cách có hiệu quả nhất. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (số liệu mới nhất tháng 5-2013) cho thấy tình hình sản xuất thuốc lá năm 2013 đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giữa con số này và quy định trên khiến dư luận còn nhiều ái ngại. Việc kiểm soát vấn đề nên bắt nguồn từ gốc rễ là hạn chế sản xuất, buôn bán, đánh thuế cao, tuyên truyền ý thức người dân, là sự cam kết của từng cơ quan đơn vị, sự nhắc nhở lẫn nhau của cán bộ, nhân viên trong mỗi cơ quan và được thực thi bằng những quy định riêng như trừ lương, trừ thưởng hoặc phạt nội bộ… Nếu không thì rất khó để luật đi vào thực tế.

THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=285
Quay lên trên