Nghề đánh bóng lư đồng dịp tết

Cập nhật: 06-02-2013 | 00:00:00

Tết đến, nhiều gia đình trang trí bàn thờ bằng bộ lư đồng lại đem đi đánh bóng. Từ đó, những cửa hàng đánh bóng lư đồng, cả năm “nghỉ dưỡng” lại bắt tay vào công việc. Tuy chỉ hoạt động được nửa tháng mỗi năm, nhưng nghề này cũng đã góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều người thợ, tuy nhiên để đánh được một bộ lư đồng cũng lắm gian truân.

  “Nghề đánh bóng lư đồng thu nhập cao nhưng cũng lắm gian truân” anh Phạm Văn Tây, chủ tiệm sửa xe Tây, KP.7, P.Phú Lợi, TP.TDM, nói“Nghề nửa tháng!”

Hiện nay trên khắp các con đường trong tỉnh, hình ảnh người thợ đánh lư đồng miệt mài, cùng với những bộ lư đồng màu ánh kim phản chiếu óng ánh ánh của người thợ tiện báo hiệu ngày tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần. Đối với người Việt Nam, để thêm phần tôn kính, trên mỗi bàn thờ đều có bát hương, bình hoa, lư đồng… trang trọng. Mỗi năm tết đến, họ lại thỉnh những vật gia bảo xuống để con cháu làm mới. Với bát hương, đài rượu, bình hoa… thông thường sẽ được lau rửa tại nhà, hoặc thay mới. Chỉ riêng bộ lư đồng, hầu như đều được mang ra tiện nhờ đánh bóng.

Theo tìm hiểu của người viết, trước đây khi những cửa hàng đánh bóng lư đồng chưa xuất hiện, mọi người phải tự làm mới bằng bàn chải đánh răng, lá dứa (thơm), chanh…  Từ khi xuất hiện những người thợ tiện “bất đắc dĩ” mỗi năm chỉ hành nghề một lần, người dân đỡ vất vả hơn. Chị Nguyễn Thị Hòa (P.Phú Lợi - TP.Thủ Dầu Một), tâm sự: “Trước đây mỗi lần tết đến, tôi rất ngại việc làm sạch 3 bộ lư đồng trên bàn thờ gia tiên. Bởi muốn đánh bóng phải trải qua nhiều gia đoạn, nhưng những bộ lư đồng vẫn không sáng bóng. Hiện nay, tôi chỉ cần đem ra tiệm nhờ thợ đánh giúp, một ngày là xong, đỡ tốn thời gian mà lư đồng lại sáng lấp lánh”.

Đối với những người thợ đánh lư đồng, đây chỉ là “tay trái”. Bởi nghề này chỉ tồn tại nửa tháng trước tết. Hầu như các thợ đánh đều là thợ sửa xe, thợ hàn, vì họ tận dụng bộ mô-tơ của cửa tiệm để kim luôn việc đánh đồ đồng. Đa phần các thợ “bất đắc dĩ” này không qua trường lớp, họ học hỏi lẫn nhau, tự rút kinh nghiệm trong lúc hành nghề.  “Đây là nghề “tay trái” của tôi. Ngày thường nghề “tay phải” của tôi là sửa xe. Nếu mưu sinh bằng nghề này chắc không ai sống nổi, chứ chưa nói nuôi vợ con. Bởi, cả năm chỉ trông chờ có thu nhập vào dịp tết”, anh Phạm Văn Tây (chủ tiệm sửa xe Tây, KP.7- P.Phú Lợi-TP.TDM), với gần 20 năm làm nghề đánh lư đồng, nói.

Nghề đánh lư đồng không ai được đào tạo bài bản, chỉ học hỏi lẫn nhau

Thu nhập cao nhưng… nguy hiểm cũng nhiều

Để đánh được một bộ lư đồng, người thợ phải ngâm chúng trong nước khế, dấm cho sạch đất. Một ngày sau đem vào đánh bóng. Để cho lư đồng được sáng bóng, họ phải lao động cực kỳ chỉnh chu để tránh làm lư đồng biến dạng, xây xước. Sau khi đánh bóng người thợ thường lau lại với tinh bột sắn và tiếp tục lau lại bằng vải sạch. Một số người hành nghề lâu năm cho biết, bộ lư đồng có đến hàng trăm loại, khó đánh nhất là lư trúc vì có nhiều hoa văn chạm trổ tinh vi; dễ đánh nhất là lư tứ giác, lư tròn. Với sự đa dạng của lư đồng, nên giá thành đánh bóng cũng khác nhau. Cụ thể, bộ lư cỡ lớn, giá trung bình từ 250.000 - 300.000 đồng/bộ; bộ trung 150.000 - 180.000 đồng/bộ; bộ cỡ nhỏ khoảng 100.000 đồng đến 150.000 đồng/bộ. “Bắt đầu từ giữa tháng Chạp đến 29, 30 tết là lúc “cao điểm”, người dân cần đến chúng tôi. Mỗi mùa tết trung bình tôi làm 20 đến 30 bộ. Nhiều năm, đến 30 tết, người dân vẫn còn mang đến nhờ đánh giúp. Bởi vậy, dịp tết đến tôi có thể kiếm thêm khoảng 4 - 5 triệu đồng”, thợ đánh lư đồng Nguyễn Văn Thi (KP 8, P.Phú Hòa,TP.TDM), nói.

Tuy nhiên, để kiếm thêm chút tiền từ đánh lư đồng, những người thợ này phải chịu nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Bởi, khi đánh bóng bột đồng bay khắp nơi, bay vào mắt, hít vào phổi. Anh Tây, cho biết, mỗi lần đánh xong bộ lư đồng cổ họng đắng ngắt, mắt mờ, mặc dù đã đeo khẩu trang và kính. Do đó, nếu ai mà mưu sinh bằng nghề này lâu năm đều bị bệnh viêm phổi. “Những người thợ như chúng tôi đều biết tác hại của bột đồng đối với sức khỏe, nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận “sinh nghề tử nghiệp”. May mà mỗi năm chỉ làm nửa tháng, nếu làm nguyên năm, tôi nghĩ không ai dám làm nghề này”, anh Tây nói.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1049
Quay lên trên