Nhớ Ngày Nhà giáo Việt Nam!

Cập nhật: 11-11-2011 | 00:00:00

Mặc dù đã qua cái tuổi học sinh (HS) nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 20-11 là thế hệ chúng tôi lại ôn lại tình cảm hết sức yêu quý đối với những thầy cô đã giảng dạy mình từ hồi còn học phổ thông. Chúng tôi cùng nhau mua bó hoa hồng, tặng món quà thể hiện tấm lòng của cả lớp... vậy mà vui, mà in đậm mãi trong lòng của cả thầy lẫn trò.  Học sinh trường THPT Thái Hòa (Tân Uyên) tặng hoa chúc mừng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Nhớ mãi tình thầy trò

Ngày 20-11 năm trước, chúng tôi, những HS hồi còn học trường làng tập hợp lại với nhau để thăm lại cô giáo cũ. Đã lâu gặp lại mà kỷ niệm thầy trò vẫn còn ấm áp, những câu hỏi thăm rôm rả làm sống lại cả khoảng trời HS. Hồi ấy, bọn HS chúng tôi rất gắn bó với lớp và cả với thầy cô giáo, nhất là cô chủ nhiệm. Chúng tôi cùng nhau mua một ít hoa tươi, món quà nho nhỏ đến chúc mừng ngày nhà giáo với tình cảm thương mến. Cô giáo nhận quà mà vui, rồi cùng HS trò chuyện tíu tít như người thân trong gia đình. Giờ gặp lại, cô Hồng Vân, giáo viên môn văn buồn buồn: “Sau lớp của Trang, Diễm... rồi đến lớp mấy đứa là cô còn nhớ rõ từng đứa một, tình cảm thầy trò thật chan chứa làm sao ấy, còn những lớp về sau không vui được như vậy nữa”. Cô Kim, giáo viên môn hóa trường THPT Hòa Lợi nuối tiếc: “Không hiểu sao thời dạy lớp HS mấy em cô có rất nhiều kỷ niệm. Còn bây giờ thì không được như vậy nữa”.

HS thời ấy, bây giờ?

Nói chi xa từ cái thời mà người ta còn quan niệm “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, gắn liền với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” hết sức sâu sắc ở trong lòng người Việt, nhất là những HS trường làng, chỉ tính từ lớp trẻ chúng tôi trở lại đây cách có bao nhiêu năm đâu mà có quá nhiều thay đổi trong cách bày tỏ và thể hiện tình cảm của HS đối với thầy cô. Không giống như lớp trẻ ngày trước, ngày tết thầy cô như là ngày hội để bọn HS bày tỏ tình cảm yêu thương và biết ơn đối với thầy cô.

Bây giờ, HS lại không chú trọng nhiều đến mức độ tình cảm bằng giá trị của món quà dùng để tặng như là một thông lệ theo kiểu “bạn làm vậy nên mình cũng phải làm vậy”. Vì thế, một số HS lo chạy đua lựa chọn những món quà đắt tiền để tặng thầy cô theo kiểu “lấy lòng”. Cũng có trường hợp thầy giáo nhận lời mời của HS, sinh viên ra quán nâng ly chúc tụng, lời qua tiếng lại làm “mếch” lòng nhau, rồi HS quay ngược lại đi đánh giá, nhận xét, bình phẩm về phẩm chất thầy giáo nghe mới thật buồn!

Ngày 20-11 bây giờ, HS lo thì ít mà phụ huynh lo thì nhiều, nhất là những phụ huynh trẻ, phụ huynh có con theo học các trường mầm non, tiểu học. Đưa con đi học đã nghe phụ huynh bàn chuyện tặng quà gì cho thầy cô? Và tặng bao nhiêu thì được khá sôi nổi! Có phụ huynh còn lên cộng đồng mạng bàn nhau cách tặng quà, rốt cuộc ý kiến chung là nên tặng tiền cho gọn, nhưng tặng bao nhiêu khi mà vừa mới tặng đến vài trăm ngàn trong ngày 20-10 (Ngày Phụ nữ Việt Nam), giờ lại đến ngày 20-11?!

Rõ ràng, việc tặng những món quà có giá trị vật chất đối với HS và phụ huynh bây giờ dành cho thầy cô được chú trọng hơn chúng tôi ngày trước, nhưng điều đáng nói là tấm lòng và tình cảm mang theo từng món quà của HS ngày trước thì vẫn có điều gì đọng lại sâu sắc hơn. Bởi với những thầy cô, không phải lúc nào giá trị vật chất của món quà có thể mang lại niềm vui. Có một giáo viên tâm sự: “HS ngày nay thực dụng hơn nên món quà cũng trở nên thực dụng và như thế lại “tàn nhẫn” hơn với chúng tôi”.

Tình cảm thầy trò ngày nay hình như không còn thiêng liêng như trước được nữa. HS ngày trước xa thầy cô bao lâu vẫn còn lưu lại biết bao kỷ niệm tình cảm thầy trò, có những HS bây giờ như những người khách một lần qua sông rồi quên hẳn con đò. Nghĩ mà buồn!

MAI ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=202
Quay lên trên
X