Ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà phải có chọn lọc, các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường... (*)

Cập nhật: 01-11-2017 | 08:16:13

 Hôm qua (31-10), Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia 2018- 2020. Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nhân (ảnh), Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã nêu lên nỗi lo giữa đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế đồng thời cần tạo sự thay đổi cả lượng và chất để bảo đảm cho quá trình tăng trưởng...

Báo Bình Dương giới thiệu bài tham luận của đại biểu Phạm Trọng Nhân.

Trong những ngày qua, thông tin về kết quả tăng trưởng của nền kinh tế mà báo cáo Chính phủ trình bày, thật sự gây ngạc nhiên cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong nước vốn vẫn đang cố tìm những hướng đi cho mình.

Con số 25,48 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã vượt xa kỳ vọng, tăng 34,3% và vốn giải ngân cũng bất ngờ tăng mạnh, vượt 13,4% so với cùng kỳ và đây được cho là nguyên nhân góp phần vực dậy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Thế nhưng sau cơn “địa chấn” về thu hút FDI là nỗi lo âm ĩ của không ít nhà quản lý, các chuyên gia và cả người dân về câu chuyện giữa đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Một khi hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng, đạt nhiều kỷ lục trong tăng trưởng nhưng hiệu quả nội tại mang lại cho nền kinh tế và đời sống người dân chưa đáng là bao. Đột ngột giảm rồi lại đột ngột tăng GDP của cả một quốc gia chỉ vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI thì quả thật rất đáng lo ngại cho nền kinh tế.

Phải thẳng thắn thừa nhận FDI đã bổ sung một nguồn lực quan trọng cho quá trình tăng trưởng. Sau 25 năm, khu vực này đã đóng góp GDP từ 2% vào năm 1992, lên 20% năm 2016; giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người hơn 2.000 đô la Mỹ.

Thế nhưng, dù chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 50% giá trị sản xuất công nghiệp nhưng khu vực này chỉ đóng góp vào ngân sách từ 15 - 19%, thấp nhất trong 3 khu vực.

Thống kê giai đoạn 2007- 2015 cho thấy cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, điều ngược đời là càng lỗ, thì doanh nghiệp FDI lại càng mở rộng sản xuất. Chưa hết, thống kê trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 được công bố cho thấy, một nghịch lý là khối doanh nghiệp FDI xuất hiện nhiều nhất (46%) nhưng tỷ lệ đóng góp vào tổng thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bảng chỉ ở mức 37% và đang có xu hướng giảm dần. Theo ước tính của các chuyên gia Oxfam, mỗi năm, Việt Nam bị thất thu khoảng 170 tỷ đô la Mỹ do hoạt động chuyển giá.

Ở một góc nhìn khác, chỉ tiêu tăng trưởng tổng hợp từ nhiều yếu tố trong đó có tổng kim ngạch xuất khẩu, thế nhưng con số 70% tổng kim ngạch xuất khẩu FDI giúp cho Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá đầu vào, do đó lợi nhuận từ con số này là vô cùng thấp. Vì vậy dù có thu 20% thuế thu nhập trên số đó cũng không đáng là bao, thậm lý là bằng không khi bị báo lỗ, 80% còn lại dĩ nhiên sẽ được FDI chuyển về chính quốc. Số 20% thu được từ đây cùng các khoản thu khác phải đang gồng gánh cho gần 70% chi thường xuyên của ngân sách, số ít ỏi còn lại không đủ chi cho đầu tư và trả nợ. Câu chuyện nền kinh tế đang vướng trong bẫy thu nhập trung bình và sẽ còn bị giữ chặt trong một thời gian dài, nguyên nhân chính theo tôi xuất phát từ đây. Đây cũng là câu lý giải vì sao nền kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập quốc gia và hiệu quả mang lại cho nền kinh tế không cao.

Một trong những mục tiêu thu hút đầu tư là nhằm hấp thụ và nhận chuyển giao công nghệ, thế nhưng theo thống kê có 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ ở mức trung bình thế giới; 14% ở mức thấp và lạc hậu; chỉ có 5 - 6% công nghệ cao. Tuy mang tiếng là công nghệ cao, nhưng thực chất các công đoạn được thực hiện tại Việt Nam đa phần là khâu lắp ráp. Do đó câu chuyện Việt Nam từ vị trí thứ 57 trên toàn cầu về tiêu chí hiệu quả và chuyển giao công nghệ tụt xuống vị trí thứ 103 năm 2014, giảm 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan: 36, Indonesia: 39 và Campuchia: 44 là một điều không quá ngạc nhiên.

Thử nhìn lại các chính sách mà Nhà nước ưu đãi đặc thù cho FDI như miễn, giảm thuế có thời hạn; cho phép chuyển lỗ; miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư… trong khi đó chúng ta lại “cứng nhắc” và “khắt khe” với chính người nhà của mình, người mà luôn đồng cam cộng khổ và có đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế. Câu chuyện tập đoàn Viettel “vỡ mộng” khi bị Bộ Tài chính thẳng thừng bác việc xin được ưu đãi thuế giống như Samsung Việt Nam, hay khoản đầu tư 500 tỷ để phát triển khoa học -công nghệ của Gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính là những ví dụ cho thấy việc gánh vác vai trò làm động lực chính cho nền kinh tế còn khó khăn biết nhường nào.

Vừa bị thất thu thuế, nhận công nghệ lạc hậu, cạn kiệt tài nguyên, nhân công rẻ, thiếu công bằng trong ưu đãi và cuối cùng là hệ lụy về môi trường thì liệu những điều này có công bằng cho đất nước và nhân dân. Đã đến lúc chúng ta phải bình tâm suy xét trước khi quá muộn.

Tôi đã hơn một lần trình bày chính kiến của mình tại diễn đàn Quốc hội về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài và sẽ tiếp tục theo đuổi nhằm làm cho khu vực này thỏa mãn một cách tích cực cho nền kinh tế.

Tôi tán đồng với nhiều giải pháp trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời kiến nghị: Chúng ta không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà phải có chọn lọc, các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cần có cam kết lộ trình chuyển giao công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Trên hết phải ưu tiên các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu của đề án cơ cấu lại nền kinh tế, đó là những điều cần phải có trên bàn đàm phán khi mời gọi đầu tư.

Về phía nội lực, chúng ta không có cách nào khác là phải sẵn sàng cho cuộc đua này. Nếu không có một định hướng rõ ràng, cho dù có được 1 triệu doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 thì cũng chỉ có ý nghĩa trong sự thay đổi về lượng mà thiếu bền vững về chất để bảo đảm cho quá trình tăng trưởng.

Có thể nói, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng những chỉ đạo quyết liệt và cam kết kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng của người đứng đầu Chính phủ đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh. Tôi thật sự vui mừng và xúc động khi cảm nhận được tâm huyết của cộng đồng doanh nhân trẻ và sự quyết tâm đồng hành của Chính phủ qua quyển sách trắng Diễn đàn kinh tế tư nhân lần 2 và ngày 30-10 vừa qua là sự kiện ra mắt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ là minh chứng hùng hồn nhất cho những cam kết và quyết tâm này.

Điều còn lại là làm sao cho luồng sinh khí đó được liên lục bền vững và lan tỏa tạo điều kiện nuôi dưỡng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, lớn mạnh và trở thành một nguồn lực chủ yếu cho đất nước trong quá trình tăng trưởng. Đây chính là một trong những biểu hiện cơ bản nhất của hoạt động kiến tạo - điều mà Chính phủ đang từng ngày cam kết với đất nước và nhân dân.

Liệu chúng ta có rời khỏi được vai của những gã khổng lồ để sớm tự đứng trên đôi chân của mình hay không là một câu hỏi lớn mà tất cả chúng ta, ít nhiều đều có trách nhiệm trả lời.

Chúng ta không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà phải có chọn lọc, các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cần có cam kết lộ trình chuyển giao công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Trên hết phải ưu tiên các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu của đề án cơ cấu lại nền kinh tế, đó là những điều cần phải có trên bàn đàm phán khi mời gọi đầu tư.

(*): Tựa bài do Tòa soạn đặt 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=6663
Quay lên trên