Phòng chống đuối nước trong trẻ em ở Dầu Tiếng: Trách nhiệm không của riêng ai!

Cập nhật: 24-06-2013 | 00:00:00

Dầu Tiếng là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, có trên 27.000 trẻ em dưới 16 tuổi trong tổng số 111.384 dân. Do địa bàn nông thôn nên trẻ em ở đây ngoài học tập, thường phụ giúp cha mẹ làm đồng, bóc mủ cao su hoặc chơi các trò chơi gắn với thiên nhiên như tắm sông, trèo cây hái trái, thả diều, đá bóng... Thế nhưng, tuổi còn nhỏ nên các em không lường trước những mối nguy hiểm, vì thế hay xảy ra một số tai nạn đáng tiếc, nhất là nạn đuối nước.

   Kênh Phước Hòa, đoạn qua xã Minh Tân - Nơi em Hồ Thành Đạt bị nạn

 Những con số đau lòng

Con số thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến hết quý 1-2013, Dầu Tiếng đã có 10 trường hợp tử vong do đuối nước, trong đó có 3 trường hợp mới 1 - > 2 tuổi, như em Lê Ngọc Mỹ, SN 2012, ngụ tại ấp Tân Phú, xã Minh Tân; Nguyễn Trung Hiếu, SN 2012, ở ấp Hòa Hiệp, xã Minh Hòa. Do buổi trưa, cha mẹ ngủ quên không đóng cửa nên em Mỹ bò ra ngoài sân chơi và té úp mặt xuống mương nước cạnh nhà, không tự ngồi dậy được và em đã bị ngộp nước rồi chết. Còn Hiếu một mình xuống nhà vệ sinh chơi và cũng bị té úp mặt vào xô nước dẫn đến tử vong. Em Nguyễn Hữu Phước, SN 2011, ở xã Minh Hòa thì không có người trông, nên bị té xuống giếng bởi giếng không có nắp đậy và chết đuối.

Thương tâm hơn nữa là vào đầu năm 2012, cô Trần Thị Ngọc Dung, SN 1987, ngụ tại ấp Dáng Hương, xã Định Hiệp là mẹ của bé Đoàn Hiếu An, SN 2005, mợ của bé Nguyễn Thị Kim Huệ, SN 2002, bé Nguyễn Thị Ngọc Hân, SN 2005 ngụ tại ấp Hố Đá, xã Long Tân. Khi 3 cháu đến nhà chơi, cô Dung đã cùng 3 cháu chèo xuồng ra sông vớt bèo cho vịt ăn, không may xuồng bị lật lại không biết bơi, dẫn đến cái chết thảm thương của 4 người. Và với nhiều lý do khác nhau, nhiều trường hợp trẻ em ở Dầu Tiếng xảy ra đuối nước rất đau lòng…

Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Dầu Tiếng phân tích rất cặn kẽ nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị đuối nước. Nguyên nhân cơ bản được đặt ra là do nhận thức của xã hội về vấn đề này còn hạn chế và môi trường sống không an toàn. Nhiều nhà ở gần ao, hồ, sông không có hàng rào che chắn, các giếng và bể chứa nước không có nắp đậy. Đã vậy, việc thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy chưa nghiêm. Người điều khiển thuyền, đò không biết bơi, người tham gia lưu thông đường thủy không áo phao đã dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của trẻ em. Một nguyên nhân chủ quan nữa là do thời gian qua, các bậc cha mẹ mãi lo mưu sinh, không còn thời gian quan tâm chăm sóc con cái, trẻ em thì thích tắm sông, suối, cho nên tỷ lệ trẻ em bị đuối nước càng gia tăng, nhất là vào mùa hè.

Trách nhiệm không của riêng ai!

Để phòng ngừa vấn đề này có hiệu quả, nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng mà Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Dầu Tiếng đặt ra là đẩy mạnh công tác truyền thông. Bằng các hình thức, thời gian qua, Dầu Tiếng đã xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ em, tổ chức tập huấn kỹ năng nuôi dạy con cho các bậc phụ huynh, tổ chức tọa đàm nói chuyện chuyên đề trẻ em với phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại 4 Câu lạc bộ trẻ em với phòng chống tai nạn thương tích tại 4 xã điểm Minh Hòa, Long Hòa, Định An và thị trấn Dầu Tiếng; thực hiện tốt các chính sách có liên quan đến trẻ em như xét trợ cấp thường xuyên, trao học bổng cho trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó học giỏi, tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, giáo dục kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; đồng thời tập huấn cho cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em 12 xã, thị trấn, cộng tác viên 89 khu, ấp về công tác này.

 Em Hồ Thành Đạt, sinh năm 2001, học sinh lớp 6, trường THCS Minh Tân, khoảng 14 giờ ngày 21-3 đang chơi trên cầu sơ suất trượt chân ngã xuống kênh Phước Hòa (đoạn qua xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng), nhưng do dòng nước chảy xiết, em không biết bơi nên bị dòng nước cuốn trôi, đến 8 giờ sáng 22-3 gia đình mới tìm thấy thi thể của em Đạt

Với mục tiêu xây dựng môi trường an toàn lành mạnh và tạo cơ hội, điều kiện cho trẻ em được bảo vệ, chăm sóc dưới mọi hình thức khác nhau, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Dầu Tiếng cho biết, Dầu Tiếng đang kiến nghị với cơ quan quản lý giao thông xây dựng rào chắn, biển báo nguy hiểm trên các đoạn kênh dẫn nước Phước Hòa, nơi có dân cư sinh sống đông đúc như đoạn qua 2 xã Minh Hòa, Minh Tân; đồng thời xây dựng hồ bơi để dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn huyện, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bị đuối nước.

Riêng về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần có trách nhiệm hơn. Dù bận rộn với công việc hàng ngày nhưng các bậc phụ huynh cố gắng sắp xếp thời gian chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các buổi sinh hoạt tại trường, các buổi sinh hoạt do xã, huyện tổ chức hay tham gia các chuyến du lịch ngắn ngày để trẻ em tham gia học và làm quen với nếp sinh hoạt tập thể với thiên nhiên. Các bậc phụ huynh nên tự trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng chăm sóc nuôi dạy con, kỹ năng tự bảo vệ trước những nguy hiểm có thể xảy ra đối với trẻ em khi tham gia các trò chơi hoặc tham gia giao thông đường thủy.

Trong gia đình, biết quan tâm đến nhau bằng tình yêu thương và thể hiện trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ sẽ tạo được niềm vui và hạnh phúc cho con trẻ cũng như cho tất cả mọi người.

 HUYỀN TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=400
Quay lên trên