Sau kết quả PCI công bố: Bình Dương tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh

Cập nhật: 21-03-2014 | 00:00:00

 Năm 2012, Bình Dương bị tuột từ hạng 9 đến hạng 19, rời bỏ top “rất tốt” để xuống top “khá tốt”. Để nâng cao chỉ số PCI, UBND tỉnh đã xây dựng và quyết liệt thực hiện Đề án nâng cao chỉ số PCI năm 2013. Đây chính là đề án thể hiện tính năng động, tiên phong mạnh mẽ nhất của lãnh đạo tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực “nhạy cảm” như thiết chế pháp lý, chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch.

   Lãnh đạo tỉnh và các ban ngành thăm nhà máy sản xuất sợi Kyunbang Việt Nam Ảnh: T.BÌNH

Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và có nhiều chuyển biến tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngành hải quan đã triển khai sử dụng máy soi hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container di động, triển khai sử dụng chữ ký số, hệ thống thông tin điện tử tự động và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS). Ngành thuế triển khai khai thuế qua mạng, tiến tới triển khai dịch vụ thuế điện tử. Chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, hỗ trợ kiểm toán năng lượng của Sở Công thương ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu.

Giá trị thực của PCI không nằm ở bản thân bảng xếp hạng

Giá trị thực của PCI không nằm ở bản thân bảng xếp hạng, mà chính ở động lực mà bảng xếp hạng tạo ra cho những cuộc đối thoại công tư thiết thực để thúc đẩy cải cách và tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa như cải thiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm giấy phép. Năm nay, lần đầu tiên báo cáo đã đưa ra phân tích những thành tố “gốc” của PCI qua 9 năm, giúp xác định những xu hướng và thách thức quan trọng trong công cuộc cải cách này.

(David B.Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam )

Các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết thông qua các hội nghị đối thoại. Chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã được triển khai tích cực; công tác cải cách thủ tục hành chính đã được cải thiện đáng kể, các dịch vụ công trực tuyến từng bước được triển khai; minh bạch hóa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của tỉnh; website của một số sở, ban, ngành được vận hành; đào tạo lao động được thực hiện tốt; nâng cao vai trò hoạt động của hệ thống pháp lý. Cộng đồng doanh nghiệp đã có sự quan tâm, đồng thuận trong quá trình triển khai các giải pháp cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.

Dù đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhưng kết quả PCI năm 2013 vừa được công bố lại không “như ý”. Bình Dương đứng hạng 30, với 58,15 điểm và rơi xuống top “khá”! Ngay sau khi có kết quả PCI, trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho biết sẽ thực hiện các giải pháp để nâng cao PCI của Bình Dương. “Chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tham tán thương mại, các hiệp hội ngành nghề, nhà đầu tư cùng các ngành quan trọng như thuế, hải quan… để tập trung lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh thật thông thoáng, thật tốt. Bên cạnh đó tỉnh còn thực hiện lộ trình xem xét giải quyết nợ tồn đọng của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, có điều kiện giao nộp ngân sách”.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ THANH CUNG: Đồng lòng, cầu thị để nâng cao PCI

Chúng ta đã phân tích kỹ từng nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm để cải thiện kết quả PCI năm 2014. Toàn hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục nâng cao tính công khai, minh bạch của thể chế pháp lý, nhằm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng, tiếp tục thu hút đầu tư; tiến tới rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục rườm rà nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; nêu cao vai trò các ngành các cấp, vai trò cá nhân lãnh đạo, nhân rộng điển hình… để nâng cao năng lực cạnh tranh của Bình Dương.

GIÁM ĐỐC SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ MAI HÙNG DŨNG: Tập trung phân tích 3 tiêu chí giảm điểm để nâng PCI

Đó là chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” giảm từ 8,01 điểm năm 2012, xuống 6,2 điểm vào năm 2013 (năm 2013 có thêm 7 chỉ số thành phần so với năm 2012); chỉ số “Tính minh bạch” giảm từ 6,66 điểm năm 2012, xuống 5,95 điểm năm 2013 (năm 2013 có thêm 4 chỉ số thành phần so với năm 2012); chỉ số “Chi phí không chính thức” giảm từ 7,83 điểm năm 2012, xuống 6,54 điểm năm 2013 (năm 2013 có thêm 1 chỉ số thành phần so với năm 2012). Mặc dù còn nhiều vấn đề cần phải bàn về phương pháp tính toán và ý nghĩa của chỉ số PCI (như số lượng doanh nghiệp lấy mẫu hay mức độ phản ánh về năng lực điều hành kinh tế địa phương…) nhưng ngay từ đầu năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành đề án và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Qua hơn nửa năm thực hiện đã có nhiều kết quả.

Năm 2014, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đã phê duyệt; đồng thời tập trung vào các nhiệm vụ góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh rà soát, đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính. Kết quả rà soát thủ tục hành chính sẽ được niêm yết công khai, cập nhật thường xuyên để người dân và doanh nghiệp được biết. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức triển khai thực hiện tốt đề án 1 cửa, khu hành chính mở; tập trung thực hiện tốt việc đăng ký kinh doanh qua mạng, đăng ký kinh doanh tại nhà cho người dân; đưa website của sở vận hành vào giữa năm 2014 để công bố tất cả thông tin liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh, đầu tư...; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các mẫu hồ sơ hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất.

 

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên