Thạnh Hội nối nhịp, vươn tầm…

Cập nhật: 25-05-2013 | 00:00:00

Những con đường được nhựa hóa phẳng lỳ chạy ngang dọc khắp xã; những ngôi nhà mới đang dần thay thế nhiều căn nhà tạm bợ. Trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại… không chỉ đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của người dân từ bao đời nay mà còn điểm tô cho vùng đất cù lao này trở nên đầy sức sống. Về Thạnh Hội hôm nay ai cũng sẽ dễ dàng nhận ra những thay đổi đó.

Cơ sở giáo dục ở Thạnh Hội được đầu tư khang trang

Cầu đường liền một nhịp

Nếu ai đã từng đến xã Thạnh Hội (Tân Uyên) hẳn chưa quên chỉ cách đây chừng vài năm vùng đất này còn nhiều “khoảng cách” với nhịp điệu phát triển chung. Việc cách trở đò giang là nguyên nhân chủ yếu khiến Thạnh Hội cứ mãi là cù lao yên bình như hàng trăm năm nay vẫn vậy. Đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa khiến việc vận chuyển hàng hóa của bà con gặp không ít trở ngại. Nông sản của bà con làm ra vì thế cũng bị thiệt thòi trăm ngả dù chất lượng không hề thua kém nếu không muốn nói là vượt trội hơn so với những nơi khác. Nghề nông - kế sinh nhai của phần lớn người dân nơi đây trở nên bấp bênh. Nhiều thanh niên lần lượt sang sông làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp. Viễn cảnh sản xuất nông nghiệp ở Cù lao Thạnh Hội trở thành nghề tay trái của nhiều gia đình đang dần hiện hữu.

Nhiều tuyến đường được đầu tư nhựa hóa giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất thuận lợi

Tuy nhiên, những lo lắng, trăn trở của lãnh đạo địa phương và người dân ở Thạnh Hội đã không xảy ra bởi cuối năm 2009, sau 4 năm xây dựng, cầu Thạnh Hội chính thức đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn tả của người dân xứ cù lao. Có thể nói không quá rằng, nhịp cầu bắc qua sông Đồng Nai nối Thạnh Hội với “đất liền” đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Thạnh Hội. Từ đây, Thạnh Hội không còn cách trở đò giang. Hàng hóa nông sản của người dân làm ra được chuyển thẳng đến các nơi tiêu thụ mà không còn phải bốc lên xếp xuống ở hai bờ sông. Những ngôi nhà mới dần mọc lên khi mà việc vận chuyển vật liệu trở nên dễ dàng, nhanh chóng… Một nhịp điệu sản xuất, phát triển rộn ràng trong sự hân hoan của những người đã gắn bó với vùng đất Cù lao rùa bao năm. Ông Trần Kim Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội cho biết, tất cả bắt đầu từ năm 2010 khi cây cầu Thạnh Hội được đưa vào sử dụng. Nói bắt đầu từ năm 2010 bởi từ mốc này Thạnh Hội mới được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Chỉ tính trong 3 năm từ 2010 đến 2012, Thạnh Hội đã nhựa hóa trên 90% tuyến đường giao thông trục chính trong xã. Mới đây nhất, trục đường chính Cùlao Thạnh Hội đãđược khánh thành, tuyến đường huyết mạch này được kỳ vọng sẽ làđòn bẩy cho sản xuất, giao thương. Hệ thống giao thông nội đồng, kênh thoát nước được đầu tư khá hoàn chỉnh. Trường Tiểu học Thạnh Hội được xây dựng với quy mô 1 trệt 3 lầu gồm 20 phòng học thay thế cho trường cũ chật hẹp, xuống cấp. Đây cũng là một trong số ít những trường tiểu học có quy mô khang trang nhất ở huyện Tân Uyên hiện nay. Trung tâm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia, hệ thống nước sạch đã đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Ông Quan cũng thông tin thêm, hiện toàn xã không còn nhà tạm, hầu hết đã xây dựng nhà kiên cố. Điều đó đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở vùng cù lao này.

Những cánh đồng trên 50 triệu/ha

Theo quy hoạch, khu vực giáp ranh giữa 3 ấp Thạnh Hòa, Thạnh Hiệp và Nhựt Thạnh của xã Thạnh Hội sẽ dùng để phát triển du lịch sinh thái gắn với di tích Cù lao rùa vừa được công nhận di tích khảo cổ quốc gia.

Không cây cao su, không có những vườn bưởi trĩu quả như ở Bạch Đằng, không nhà máy, xí nghiệp… nhưng Thạnh Hội với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu được thiên nhiên ưu đãi, người dân nơi này vẫn sống được với nông nghiệp bằng những cây trồng mà không phải nơi nào muốn cũng có thể sản xuất được. Trước đây vùng đất Thạnh Hội từng nổi tiếng với cây hành lá. Lúc cao điểm ở Thạnh Hội người dân trồng hàng chục ha hành. Bởi thế nhiều người cứ gọi Thạnh Hội là cù lao hành. Cây hành lúc bấy giờ đã trở thành cây chủ lực, là nguồn thu chính để trang trải cuộc sống và học hành cho con em của nhiều hộ gia đình trong xã. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, cây hành không còn giữ được vị thế chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của xã Thạnh Hội do tình trạng sâu bệnh triền miên, khiến hiệu quả mang lại không cao như những năm trước đó. Song nguyên nhân chủ yếu khiến cây hành đánh mất “ngôi vương” chính là sự xuất hiện của một loại cây trồng khác có giá trị, hiệu quả hơn hẳn - cây bạc hà (còn gọi là cây dọc mùng).

Ông Đào Văn Nô, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội cho biết, cách đây 3 năm, một số người dân đã tự nghiên cứu rồi đem về trồng thử nghiệm cây bạc hà. Quả không bất ngờ với nhiều người bởi xứ Cù lao rùa với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên cây bạc hà phát triển rất tốt. Sản phẩm có chất lượng hơn hẳn những nơi khác. Giá cả ổn định, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điểm đến của sản phẩm cây bạc hà là các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều thương lái từ Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn cũng tìm về Thạnh Hội lấy bạc hà đi tiêu thụ. Ông Trần Kim Quan, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, mỗi ngày Thạnh Hội xuất ra thị trường từ 5 đến 7 tấn bạc hà. “Cây bạc hà vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc và thu hoạch, giá cả lại ổn định vừa tận dụng được lao động nhàn rỗi, ai cũng có thể làm được…” - ông Quan nói. Cây bạc hà mỗi năm trồng được hai vụ. Mỗi ha trồng bạc hà có thể cho năng suất bình quân từ 6 - 7 tấn. Nhiều người trồng bạc hà ở đây cho biết, nếu bạc hà trồng đúng bài bản, gặp lúc giá cao có thể thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/ha/năm. Chính vì hiệu quả mang lại khá ổn định nên diện tích trồng cây bạc hà ở Thạnh Hội không ngừng tăng. Từ những diện tích thử nghiệm ban đầu, chỉ sau 3 năm đã có trên 50 ha đất nông nghiệp trong xã được dùng để trồng bạc hà. Bạc hà hiện đang là cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu chính cho nông dân xã Thạnh Hội.

Lãnh đạo xã cho biết, hiện đang triển khai đề án đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đây là dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ với nguồn vốn khoảng 4 tỷ đồng. Đây chắc chắn là một điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của xã hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.

TRÍ DŨNG – QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=412
Quay lên trên