Trả lời bạn đọc

Cập nhật: 16-04-2016 | 09:24:22

Hỏi: Đầu năm 2016, trên đường đi học về con tôi chẳng may bị tai nạn giao thông. Hậu quả làm cháu bị gãy đốt sống cổ và hiện tại cháu nằm liệt một chỗ, không đi lại, sinh hoạt bình thường được. Tôi muốn hỏi để con trai tôi được xác định là người khuyết tật, tôi cần phải làm những thủ tục gì?

Bà BÙI THỊ H. (huyện Dầu Tiếng)

Trả lời: Đầu tiên, để người con của bà được xác nhận là người khuyết tật thì bà cần làm thủ tục xác định người khuyết tật. Theo quy định tại Điều 15 Luật Người khuyết tật thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật sẽ xác định mức độ khuyết tật từ đó đưa ra kết luận về mức độ khuyết tật. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Người khuyết tật năm 2010 thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thành lập.

Về thủ tục xác nhận người khuyết tật:

Thứ nhất, về hồ sơ đề nghị xác định, mức độ khuyết tật.

Theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28-12-2012 quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 37/2012) thì bà cần chuẩn bị hồ sơ, bao gồm:

+ Đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật (theo mẫu).

+ Bản sao các giấy tờ y tế chứng minh về khuyết tật: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

+ Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục thực hiện xác định mức độ khuyết tật.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 37/2012, theo đó bà nộp 1 bộ hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ nêu trên tại UBND cấp xã nơi con bà hiện đang cư trú.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm:

+ Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

+ Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp và nội dung quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch này; lập hồ sơ, biên bản kết luận xác định mức độ khuyết tật của người được đánh giá theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

- Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại UBND cấp xã hoặc trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên đây thì Hội đồng tiến hành xác định mức độ khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật.

Trên đây là các quy định về thủ tục xác định mức độ khuyết tật, bà có thể tham khảo và làm thủ tục xác định mức độ khuyết tật cho con mình.

Hỏi: Em tôi bị khuyết tật bẩm sinh. Hiện tại em tôi đang theo học nghề thêu tại một trường dạy nghề. Qua báo, đài tôi được biết pháp luật hiện nay có chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho đối tượng là người khuyết tật. Tôi muốn hỏi cụ thể quy định trên là như thế nào?

Bà NGUYỄN THỊ T. (TX.Dĩ An)

Trả lời: Pháp luật hiện tại dành khá nhiều ưu ái cho người khuyết tật, từ pháp luật giao thông đến lao động, học tập. Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp cho người khuyết tật được quy định cụ thể tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quyết định 46/2015/QĐ-TTg thì đối với trường hợp của em bà sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cụ thể:

- Hỗ trợ chi phí đào tạo: Mức tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.

- Hỗ trợ tiền ăn: Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học.

- Hỗ trợ tiền đi lại: mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.

SỞ TƯ PHÁP TỈNH

Chia sẻ bài viết
Tags
UBND xã

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên