TX.Thuận An: Cần xử lý nghiêm tình trạng “bức tử” cây xanh

Cập nhật: 17-11-2018 | 16:50:36

Gần đây, những cây xanh trước một số cửa hàng kinh doanh trên các tuyến đường ở TX.Thuận An như Nguyễn Du, 22-12, ĐT743… đột nhiên chết “bất thường”. Trái lại, những cây không ở trước cửa hàng kinh doanh hoặc không có nhà dân lại phát triển tươi tốt.

 “Bức tử” cây xanh

Dọc hai bên đường Nguyễn Du, những cây bằng lăng hơn chục năm tuổi được trồng thẳng tắp đã góp phần tạo cảnh quan xanh cho đô thị Thuận An. Người đi đường còn ấn tượng bởi màu tím rực rỡ vào những ngày mùa cây bằng lăng nở hoa. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, gần đây cây bằng lăng trước mặt tiền của một số cửa hàng kinh doanh bị vàng lá rồi chết. Thậm chí hàng bằng lăng đang phát triển nhưng khi một cửa hàng kinh doanh khai trương hoạt động thì bị chặt cành rồi chết.

 Đầu tháng 8, hàng cây bằng lăng gần giao lộ Nguyễn Du và ĐT743 (phường An Phú) vẫn còn xanh tốt

 

Nhưng đầu tháng 11, nhiều cây bằng lăng bị chặt phá

Cụ thể theo ghi nhận của P.V, vào tháng 8 những cây bằng lăng gần giao lộ Nguyễn Du và ĐT743 (KP.2, phường An Phú) vẫn còn xanh tốt. Đến đầu tháng 11, 6 cây bằng lăng bị cắt ngọn, trong đó có một cây đã chết khô. Trong khi đó, những cây bằng lăng gần đó vẫn đang phát triển bình thường.

Trên tuyến đường 22-12, P.V ghi nhận nhiều cây xanh bị chết hoặc bị chặt phá. Cụ thể như trước cửa hàng C. (phường An Phú), cây bọ cạp vàng bị chặt ngang thân. Cách đó không xa, hai cây bọ cạp vàng trước đây còn trổ hoa rất đẹp nhưng giờ đã chết và bị phá bỏ. Không riêng gì ở đây, dọc theo tuyến đường 22-12 còn rất nhiều cây bọ cạp vàng trước các cửa hàng kinh doanh đang trong cảnh “sống dở” và… chờ chết. Chị Nguyễn Thị Linh, người dân địa phương ngán ngẩm: “Tôi thấy cây xanh trên tuyến đường này bị người dân đóng đinh, trưng dụng đủ các kiểu. Như vậy cây nào mà sống được! Thậm chí một số người cho rằng những cây mọc trước cửa hàng sẽ gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên tìm cách “đầu độc” cây. Trong khi đó, để trồng và chăm sóc một cây xanh phát triển thì không hề dễ và tốn rất nhiều chi phí. Tôi mong rằng cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi phá hoại cây xanh như trên”.

Tương tự, hàng chục cây sao đen có đường kính thân cây khoảng 20cm trước các cửa hàng dọc theo tuyến đường ĐT743 (đoạn qua phường An Phú) bị vàng lá rồi chết, trong khi trên cây không có dấu hiệu sâu bệnh nào. Ngoài ra, một số cây xanh trên các tuyến đường Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng Tám, Bùi Thị Xuân… cũng “đột tử” hoặc phát triển èo uột.

Cần xử lý nghiêm

Một vị cán bộ quản lý đô thị TX.Thuận An cho biết hiện nay trên địa bàn TX.Thuận An có nhiều tuyến đường như 22-12, ĐT743C, Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng Tám… có cây xanh chết do không phải sâu bệnh. Những cây chết thường ở trước các cửa hàng kinh doanh. Có thể vì cây ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên có một số đối tượng tìm cách “đầu độc” cây! Những cây bị “đầu độc” sẽ không chết liền mà rụng lá và chết từ từ. Ngoài ra, còn có một số đối tượng ngang nhiên chặt luôn cây. Khi cây chết được thay thế bằng cây khác cũng bị “bức tử”. Tuy nhiên, để bắt quả tang và xử lý những đối tượng cố ý “đầu độc” cây là không dễ. Vì vậy, việc bảo vệ cây chỉ có thể trông chờ vào ý thức của người dân.

Trao đổi với P.V về tình trạng cây xanh trên các tuyến đường chết không rõ nguyên nhân, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TX.Thuận An, cho biết: “Chúng tôi sẽ cho lực lượng đi kiểm tra những tuyến đường có tình trạng cây chết như người dân đã phản ánh. Đối với những tuyến đường không thuộc sự quản lý của địa phương, chúng tôi sẽ báo với chủ đầu tư để có kế hoạch xử lý”.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, thời gian qua, UBND TX.Thuận An đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch trồng cây xanh nhằm nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người để hoàn thành tiêu chí xây dựng đô thị Thuận An loại II theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, thị xã còn khuyến khích người dân tự trồng cây xanh, đặc biệt trồng và chăm sóc cây trước nhà, trên các tuyến phố theo quy hoạch. Nếu cá nhân nào có hành vi cố ý gây tổn hại đến cây xanh thì chính quyền địa phương sẽ cương quyết xử lý.

Để quản lý và bảo vệ cây xanh đô thị, Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng: quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý xử dụng nhà và công sở (gọi tắt là Nghị định 139), trong đó Điều 53 của Nghị định 139 quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa nêu rõ: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi: Xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên hoặc những nơi công cộng khác không đúng quy định; giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa. Điều 53 cũng quy định: Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh hoặc tự ý xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh trong khu vực đô thị.

Đặc biệt, hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu.

 NGUYỄN HẬU   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên