Văn hóa phi vật thể ở Phú Giáo:Tăng cường gìn giữ, phát huy

Cập nhật: 07-10-2014 | 11:04:04
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận thêm 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Trong 19 di sản, có nhiều di sản do người đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sống các vùng được công nhận mang đến Bình Dương. Để giúp họ lưu giữ, phát huy những di sản này là bài toán khó!

Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận lần này thuộc các loại hình: Tiếng nói - chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian. Cụ thể, Bình Dương có các di sản được ĐBDTTS các tỉnh đưa đến, như: Nghi lễ Then của người Tày (Cao Bằng), múa Tắc Xình của người Sán Chay (Thái Nguyên), Lễ hội Ok Om Bok của người Khơme (Trà Vinh).

Bộ nhạc cụ của người Sán Chay chuẩn bị cho Tết Nguyên đán biểu diễn
điệu múa Tắc Xình.  Ảnh: THIÊN LÝ

Đối với Nghi lễ Then của người Tày, đây là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang đậm tính chất tâm linh và huyền bí, thể hiện các loại hình diễn xướng dân gian từ nghệ thuật ngôn từ, tạo hình, âm nhạc... Nó gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần người Tày ở Cao Bằng. Nghi lễ này, ăn sâu trong máu thịt, nên khi đến Bình Dương lập nghiệp, những người Tày đã mang theo nét văn hóa đặc sắc này. Bà Hoàng Thị Kính (người Tày ở Tân Hiệp, Phú Giáo) cho biết, đối với người Tày, nghi lễ Then rất quan trọng trong cuộc sống. Lúc nhỏ khi còn ở quê, bà thường đi xem nghi lễ. Tại đây, nhiều cặp đôi đã cùng nhau thể hiện tâm tư tình cảm, mơ ước qua câu hát Then. Đến với mảnh đất Bình Dương mưu sinh, những người Tày ở đây dần quên đi, ít ai còn biết hát. Bản thân bà rất muốn được xem lại nghi lễ nhưng khoảng cách đi lại xa xôi. Bên cạnh đó, các con cháu bà chỉ biết nghi lễ Then qua ti vi, sách, báo”.

Múa Tắc Xình của người Sán Chay (Thái Nguyên) cũng đã “theo chân” ĐBDTTS Sán Chay đến với mảnh đất Tam Lập, Phú Giáo từ hơn 25 năm nay. Tắc xình là điệu múa dân gian trong lễ hội cầu mùa của người Sán Chay. Múa Tắc Xình là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và tập quán xã hội, tín ngưỡng, là sản phẩm văn hóa độc đáo, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, góp phần “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Ông La Văn Sự, người Sán Chay ở Tam Lập, nói: Điệu múa là “linh hồn” trong đời sống nghệ thuật của dân tộc mình. Dù số lượng người Sán Chay sinh sống tại Bình Dương chưa đến 40 hộ, với gần 200 nhân khẩu nhưng ai cũng có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, mùng 6 tết hàng năm, người Sán Chay tại Tam Lập lại tổ chức vui xuân, trong đó có trình diễn điệu múa Tắc Xình. Để học, biểu diễn thành công điệu múa của dân tộc, những bậc lão làng phải thường xuyên tập luyện, hướng dẫn con cháu và chuẩn bị trang phục biểu diễn để điệu múa thêm “bay bổng”. Bên cạnh đó, kèm theo điệu múa còn có bộ nhạc cụ 1 cái kèn, 3 cái trống, 3 chiêng để phụ họa. Ngoài ra, trong Tết Nguyên đán, người Sán Chay còn tổ chức vui chơi giải trí, có những trò diễn sôi nổi như đánh quay, trồng cây chuối, vặn rau cải, tung còn... Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu hơn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cũng như Nghi lễ Then, múa Tắc Xình, Lễ hội Ok Om Bok của người Khơme cũng được người dân đưa đến Bình Dương từ những năm 1960. Nếu tính riêng trong tỉnh, ước tính có khoảng 1.500 người khơme, sống tập trung tại xã An Bình, Phú Giáo và rải rác các xã trong huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng. Ông Kim Thật, ấp Tân Thịnh, xã An Bình. cho biết: “Lễ thường diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Khi đang còn sống tại Khơme, ông đã cùng gia đình, bạn bè đón lễ hội. Lễ hội được tổ chức trong chùa với nhiều nghi lễ như đúc cốm dẹp cho trẻ con, coi múa Lâm Thôn. Ngoài ra còn có lễ dâng y, diễn ra trong thời điểm hai tháng 10 và 11 âm lịch”. Những gì ông Kim Thật kể nay chỉ còn lại trong ký ức. Hiện nay, tại Bình Dương có nhiều người Khơme sinh sống nhưng họ lại “hòa nhập” văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó, người Khơme cũng chưa có ngôi chùa “đúng nghĩa” để có thể tổ chức những lễ hội, tết cổ truyền của dân tộc.

Với những di sản được “du nhập” đã góp phần làm cho Bình Dương ngày càng đa dạng về bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, những người dân di cư mang theo bản sắc lại không biết lưu giữ nên đã để mai một theo thời gian. Mặc dù tỉnh đã nỗ lực giúp họ khôi phục nhưng rất khó, bởi chính họ đã dần “quên” bản sắc của mình. Để từng bước giúp ĐBDTTS khôi phục bản sắc văn hóa, cũng như phát huy di sản văn hóa phi vật thể may mắn có được ở Bình Dương, cần lắm sự chung tay, góp sức, ý thức tự giác của chính những người mang di sản đến mảnh đất này.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên