Xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường

Cập nhật: 15-12-2017 | 09:11:15

Theo đánh giá của Công an (CA) tỉnh, trong năm 2017, phạm pháp về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp. Trong đó nổi lên các hành vi như doanh nghiệp (DN) xả nước thải chưa qua xử lý, tồn dư chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép; DN không có hệ thống xử lý nước thải; đổ rác thải không đúng quy định… Trước thực trạng này, lực lượng Cảnh sát môi trường CA tỉnh đã tăng cường kiểm tra và kịp thời phát hiện xử lý nhiều vụ việc.


Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý một ghe khai thác cát trái phép trên địa bàn TX.Tân Uyên.
Ảnh: HƯNG PHƯỚC

Ngày 21-9, Phòng Cảnh sát môi trường, CA Bình Dương đã bất ngờ tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất thép tại phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên và phát hiện cơ sở này đổ hàng chục tấn chất thải công nghiệp trong quá trình sản xuất ra môi trường. Chất thải này được xác định nằm trong danh mục chất thải nguy hại (CTNH) không được phép xả trực tiếp ra môi trường mà phải được thu gom giao cho các đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Vì “tiết kiệm” chi phí, DN đã làm ngơ, xem chất thải này như xà bần để san lấp hố trũng trước cổng công ty.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan CA đã phát hiện DN này đổ khoảng hơn 70 tấn xỉ sắt, thép và xỉ than đá thải ra trong quá trình sản xuất. Đại diện DN cho biết số chất thải nêu trên từ quá trình sản xuất từ năm 2012 đến nay, tức liên tiếp 5 năm những chất thải này được chôn lấp trái phép mà không được thu gom xử lý triệt để.

Trước đó, ngày 19-9, lực lượng Cảnh sát môi trường bất ngờ kiểm tra một DN thép tại TX.Tân Uyên và phát hiện chất thải xỉ sắt không được xử lý đúng theo quy định về bảo vệ môi trường mà lén chôn nhằm “phi tang”. Số lượng bị phát hiện là hơn 500m3  CTNH, xỉ sắt CTNH ngay tại khuôn viên của công ty, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường đất và nước khu vực xung quanh gây bức xúc cho người dân địa phương.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm khác hiện nay là một số DN vì “tiết kiệm” chi phí xử lý nên khi nhận thu gom chất thải, thay vì đưa về nơi xử lý lại lén đem đốt, chôn bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể như bãi rác tại KP.Đông Thành, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An do bà Huỳnh Thị H. làm chủ hoạt động từ năm 2012 đến nay, hàng ngày công nhân thu gom các loại rác thải công nghiệp của các công ty ở các khu công nghiệp gần đó, sau đó đem về đổ tại khu vực này rồi phân loại. Những loại còn sử dụng được thì bán lại cho cá nhân có nhu cầu. Số còn lại không đưa đi xử lý mà đốt tại chỗ. Tương tự, ông Đỗ Danh T. (ngụ TX.Thuận An) hàng ngày cho công nhân thu gom rác thải của các công ty đem về đổ tại một bãi đất trống ở phường An Phú, TX.Thuận An, sau đó phân ra những loại còn sử dụng được thì đem bán lại, một số gom lại làm phế liệu. Số còn lại ông T. không đưa đi xử lý mà để tràn lan trên khu đất gây ô nhiễm môi trường…

Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh phối hợp với các ngành chức năng phát hiện xử lý hàng chục trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Các trường hợp bị phát hiện chủ yếu ở các khu chợ tự phát, các khu vực có nhiều công nhân tạm trú… Cụ thể như việc phát hiện 250kg mỡ heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y, đã bị các trinh sát của Phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh phát hiện bắt giữ khi đang trên đường đi tiêu thụ. Số mỡ heo này có dấu hiệu phân hủy, đổi màu bốc mùi hôi thối.

Cũng qua kiểm tra tại một ki- ốt bán thịt heo ở chợ Đông Đô (tại phường An Phú, TX.Thuận An), Phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra phát hiện hơn 1 tấn thịt heo được chứa trong 3 tủ đông lạnh có dấu hiệu đã hư hỏng. Toàn bộ số thịt heo này đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Chủ ki-ốt này khai nhận toàn bộ số thịt heo này được mua với giá rẻ từ tỉnh Đồng Nai mang về để vào tủ đông rồi bán dần.

Theo báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2017, từ đầu năm đến nay CA tỉnh đã mở 2 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác cát trái phép trên đoạn sông Đồng Nai đoạn thuộc địa bàn TX.Tân Uyên và lòng hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn huyện Dầu Tiếng.

Qua công tác kiểm tra, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 297 vụ (tăng 50 vụ), xử lý hành chính 157 vụ với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng; chuyển cơ quan có thẩm quyền 105 vụ, nhắc nhở 8 vụ, hiện đang xác minh 47 vụ…

 

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên