Bác về, đất nước đứng lên- Bài 5

Cập nhật: 01-09-2020 | 08:17:18

Bài 5: Hành trình đến Ba Đình lịch sử

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Bác Hồ vượt mốc 108 trên đường biên giới Việt - Trung về Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hành trình sau đócủa Bác từ Pác Bóđến Tân Trào (Tuyên Quang), rồi đến thủ đô HàNội làmột hành trình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ đây, đất nước Việt Nam đứng lên, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xãhội.

Từ suối nguồn Cốc Bó

“Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lênin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà”. Suối Lê-nin, núi Các-Mác nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam: Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Tại đình Tân Trào, Quốc dân đại hội đã thông qua chủ trương tổng khởi nghĩa, từ đó toàn thể nhân dân Việt Nam, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhất tề vùng lên giành độc lập tự do

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Người, phong trào Việt Minh và các hội cứu quốc phát triển mạnh. Cao Bằng trở thành đầu nguồn, chiếc nôi cách mạng, đầu mối thông tin liên lạc giữa trong nước và quốc tế. Việc chọn Pác Bó làm đại bản doanh và căn cứ địa, trở thành nơi đầu nguồn để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước và là nơi diễn ra Hội nghị Trung ương 8, hội nghị mang tầm chiến lược “vạch đường đánh đuổi Nhật, Tây”, nói lên ý nghĩa to lớn của một địa danh, quyết định chiều hướng phát triển thắng lợi của cách mạng nước ta, dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ nơi đầu nguồn cách mạng, con đường “Nam tiến”, còn gọi là “con đường quần chúng” được khai sáng, nối liền. Từ đó, lực lượng cách mạng được xây dựng, phát triển rộng khắp để chuẩn bị sẵn sàng nổi dậy khi thời cơ đến.

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào

Mùa hè năm 1945, chiến tranh thếgiới II bước vào giai đoạn kết thúc. Ngày 2-5, Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin đập tan sựkháng cựcuối cùng của phát xít Đức. Trước tình hình thếgiới vàdiễn biến tình hình trong nước ngày càng thuận lợi cho cách mạng, Bác Hồquyết định di chuyển trung tâm lãnh đạo cách mạng từPác Bó(Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang).

Cuộc hành trình lịch sửcủa Bác Hồbắt đầu từngày 4-5 đến 21-5-1945, trải dài hơn 400km đường rừng, qua 10 huyện của 4 tỉnh bao gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, trèo đèo, lội suối, vượt qua những đỉnh núi quanh năm mây phủ, cónơi chưa vết chân người, với đầy những hiểm nguy. Chặng thứ nhất đi từ Pác Bó đến Lam Sơn (Cao Bằng); chặng thứ hai đi từ Lam Sơn đến Tân Trào (Tuyên Quang).

Ngày 21-5-1945, Bác vàđoàn đi cùng đến đình Hồng Thái, thuộc thôn Cả, xã Tân Trào. Sau khi tìm hiểu kỹ tình hình, ngay buổi chiều hôm đó, Bác quyết định di chuyển về thôn Tân Lập, đến ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự. Ít ngày sau, để bảo đảm bí mật và tiện làm việc, Bác bàn với các đồng chí cán bộ địa phương, dẫn đi chọn địa điểm, sau đó dựng lán Nà Nưa ở sườn núi. Tại Tân Trào, theo sự chỉ đạo của Bác và Tổng bộ Việt Minh, hội nghị toàn khu được tổ chức, quyết định thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang, đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh. Tân Trào trở thành thủ đô lâm thời khu giải phóng. Tại Tân Trào, từ ngày 13 đến 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã quyết định vận mệnh của đất nước. Cũng tại đây, trong 2 ngày 16 và 17-8, Quốc dân đại hội đã thông qua chủ trương tổng khởi nghĩa. Và, dưới gốc đa Tân Trào, quân giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về hỗ trợ quần chúng giải phóng Thái Nguyên, giải phóng thủ đô Hà Nội...

Những câu chuyện về Bác Hồ trong những ngày Người sống và làm việc ở Tân Trào, được người dân trong xã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và, mỗi khi đến dịp sinh nhật Bác, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 hàng năm, những câu chuyện về Bác lại trở nên sống động hơn trong lòng mỗi người dân nơi đây. Trong ký ức của người dân Tân Trào, Bác vĩ đại mà vô cùng giản dị. Mặc dùbận rất nhiều việc nhưng Bác vẫn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi người dân trong thôn, trong xã. Người còn tham gia cùng với bà con lao động sản xuất, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, động viên người dân hăng hái tham gia lao động sản xuất...

Đến Ba Đình lịch sử

Ngày 22-8-1945, Bác từ Tân Trào về thủ đô Hà Nội để chuẩn bị làm lễ mít tinh cho ngày 2-9. Người đi bộ đường đèo Khế đến Đại Từ, 21 giờ đi ô tô đến Thái Nguyên. Trên đường về Hà Nội, Bác vẫn mặc bộ quần áo nâu, người cũng còn rất yếu, chiều qua đò sông Hồng bến Phú Xá, tối ngủ ở làng Gạ (xã Phú Thượng, Từ Liêm). Đồng chí Trường Chinh đón Bác từ sớm tại làng Gạ. Ngày 25-8-1945, Bác nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình; chiều vào nội thành. Bác được cơ sở bố trí ở tầng 2, số nhà 48, Hàng Ngang. Hàng ngày, Bác đến làm việc tại nhà số 12 phố Ngô Quyền, trụ sở của Chính phủ lâm thời. Ngày 26-8, họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Người chủ trìbàn và thống nhất chủ trương đối nội, đối ngoại; công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời; chuẩn bị ra Tuyên ngôn độc lập. Ngày 27- 8, Bác triệu tập cuộc họp Ủy ban Dân tộc giải phóng. Trong những ngày 28, 29, 30-8-1945, Bác dành thời gian soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử; đồng thời mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý cho bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Ngày 31-8, Người sửa đổi, bổ sung vào bản thảo Tuyên ngôn độc lập và hỏi cụ thể về tình hình chuẩn bị tổ chức cuộc mít tinh lớn ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình...

Ngày 2-9-1945, trong cuộc mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. ..

Sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941 Bác Hồ về nước cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Cuộc hành trình của Người từ Pác Bó đến Tân Trào và từ Tân Trào về thủ đô Hà Nội chính là cuộc hành trình lịch sử, mang ý nghĩa quyết định, làm đổi thay vận mệnh dân tộc ta.

Trải qua 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều thành tựu quan trọng; sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã hằng mong. Lịch sử dùlùi xa nhưng giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thành quả 75 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn mãi là động lực để toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân Việt Nam quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. r

Ngày 2-9-1945, trong cuộc mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”...

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết
Tags
Bác về

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên