Chính sách về thương binh và liệt sĩ không còn giấy tờ

Cập nhật: 16-04-2014 | 00:00:00

Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Thông tư liên bộ số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP chính sách về thương binh và liệt sĩ không còn giấy tờ. Thông tư quy định:

I- CĂN CỨ XÁC NHẬN LIỆT SĨ

1. Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31- 12-1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu.

2. Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31-12-1994 trở về trước.

II- CHÍNH SÁCH THƯƠNG BINH, NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH

Căn cứ cấp giấy chứng nhận bị thương.

a) Chứng minh quá trình tham gia cách mạng

- Người thoát ly tham gia cách mạng hoặc hoạt động không thoát ly nhưng sau đó thoát ly tham gia công tác tại các cơ quan Nhà nước phải có một trong các giấy tờ sau: lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc; hồ sơ bảo hiểm xã hội hoặc các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31-12-1994 trở về trước.

- Các trường hợp không còn một trong các giấy tờ nêu trên thì căn cứ vào quyết định được hưởng chế độ trợ cấp theo các Quyết định 290, 142 và Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với người hoạt động không thoát ly và sau đó không tiếp tục tham gia công tác tại các cơ quan Nhà nước thì phải có bản khai chi tiết quá trình tham gia cách mạng, có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.

 b) Chứng minh bị thương quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu

- Giấy tờ có ghi sức ép hoặc chấn thương; danh sách quân nhân bị thương (hoặc người bị thương) của cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng khi bị thương có ghi tên cá nhân bị thương.

- Giấy tờ, tài liệu của cơ quan, đơn vị lập từ ngày 31-12- 1994 trở về trước có ghi nhận cá nhân bị thương khi tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu. Trường hợp giấy tờ, tài liệu không ghi các vết thương cụ thể thì căn cứ vào kết quả kiểm tra vết thương thực thể của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

- Người bị thương thuộc lực lượng quân đội có vết thương thực thể nhưng không còn danh sách quân nhân bị thương do cơ quan, đơn vị quản lý quân nhân khi bị thương đã giải thể hoặc không lưu giữ được. Trường hợp không có vết thương thực thể nhưng còn dị vật kim khí trong cơ thể thì phải có kết quả chiếu, chụp và kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bệnh viện quân đội khẳng định còn dị vật kim khí trong cơ thể.

- Người không thuộc lực lượng quân đội bị thương trong kháng chiến chống Pháp ở miền Nam và các chiến trường B, C, K và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện còn vết thương thực thể. Trường hợp còn dị vật kim khí trong cơ thể thì phải có kết quả chiếu, chụp và kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bệnh viện quân đội khẳng định còn dị vật kim khí trong cơ thể.

- Người không thuộc lực lượng quân đội bị thương trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc và trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc hiện có kết quả chiếu, chụp và kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bệnh viện quân đội khẳng định còn dị vật kim khí trong cơ thể. Để tìm hiểu cụ thể và được hướng dẫn kê khai chính sách theo Thông tư liên tịch số 28 này, các đối tượng thuộc diện được hưởng liên hệ trực tiếp cơ quan chính sách Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn.

XUÂN THẢO (trích)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên