Đến để cảm nhận sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:44:22

 

Tham quan triển lãm để hiểu sâu hơn về chủ quyền quốc gia. Trong ảnh: Đông đảo người dân tham quan, tìm hiểu những tấm bản đồ cổ Việt Nam tại cuộc triển lãm lần thứ nhất, năm 2013 Ảnh: H.LAN

Việc đón nhận hơn 100 tư liệu, hình ảnh, bản đồ về bằng chứng lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam giúp cho Bảo tàng Bình Dương mở cửa trưng bày chuyên đề “Một số tư liệu, hình ảnh về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” lần thứ nhất vào ngày 2-9-2013. Những ngày đầu Bảo tàng Bình Dương mở cửa trưng bày, nhiều đoàn khách từ những trường đại học, học sinh các trường trung học, cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn tỉnh đến tham quan và cảm nhận sự thiêng liêng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua những tấm bản đồ và hình ảnh được trưng bày.

Với những hình ảnh và tư liệu trưng bày đã chứng minh chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Những bản đồ tại cuộc trưng bày được biên soạn, xuất bản từ thế kỷ XV đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Chính vì thế, đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc (TQ) đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển đảo khác trên biển Đông.

Theo dòng sự kiện, việc TQ ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép được thả trôi tại tọa độ 15029’58” vĩ Bắc - 111012’06” kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý vào ngày 1-5-2014 gặp sự phản đối quyết liệt của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế trên khắp thế giới. Thực hiện Kế hoạch số 46/KH-BVHTTDL vào ngày 19-5-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kế hoạch tổng thể chủ động ứng phó của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trước việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép, Bảo tàng Bình Dương tiếp tục tổ chức trưng bày triển lãm “Một số tư liệu, hình ảnh về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” từ ngày 30-6 đến 30-8-2014.

Cuộc triển lãm sẽ tái hiện những minh chứng lịch sử từ những bản đồ cổ của người Việt Nam vẽ bản đồ Việt Nam và gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bãi Cát Vàng (bằng chữ Nôm do Đỗ Bá Công Đạo vẽ vào thế kỷ XVII), Hoàng Sa, Vạn Lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường Sa (Trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ” vẽ vào năm 1834, triều Minh Mạng, có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa bằng chữ Hán). Bên cạnh đó là bản đồ của những nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII đều vẽ chung quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với tên gọi Pracel, Parcel hay Paracels (từ các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh…). Nhà dư địa chí người Hà Lan Jodocus Hondius vẽ “Bản đồ India Orientalis” vào năm 1613; Bản đồ Asia, do John Speed xuất bản tại London (Anh) năm 1626; Bản đồ L’Asia, do Dressée xuất bản tại Paris (Pháp) vào năm 1700; Bản đồ Carte Hydro-Geographique des Indes Orientales do M.Bonne xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1791; Bản đồ East India Islands do Samuel Walker xuất bản tại Boston (Mỹ) năm 1834; Bản đồ Map of Indo-China do Scottish Geographica Magazine xuất bản năm 1886…).

Hay những bản đồ TQ do chính TQ xuất bản Tập atlas TQ địa đồ bằng tiếng Anh năm 1908 (Atlas này gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ TQ và 22 bản đồ các tỉnh của TQ. Ðây là atlas chính thức, được in lần đầu tại TQ với số lượng in giới hạn, do The China Inland Mission biên soạn và phát hành với sự giúp sức của Tổng cục Bưu chính nhà Thanh). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa Dân Quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của TQ. Nơi nào không thuộc lãnh thổ TQ thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Vì thế mà cương giới cực nam của TQ trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề đả động gì đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này chứng tỏ rằng, cho đến khi nhà Thanh phát hành atlas vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa Dân Quốc xuất bản atlas vào năm 1919 và và tái bản vào năm 1933 thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” phi pháp của TQ.

Những bản đồ TQ do phương Tây vẽ (thếkỷXVI-XX) không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam như bản đồ Bản đồ Qvangtvng Imperii Sinarum Provincia, do Jacob Van Meurs (Hà Lan) vẽ năm 1665; Bản đồ China and Burma do A.H.Wray - Engraved vẽ xuất bản tại London (Anh) năm 1851; Bản đồ Chinese Empire do Business Atlas, Rand McNally xuất bản tại Chicago (Mỹ) năm 1904; Bản đồ China do Cục Tình báo Trung ương Mỹ xuất bản năm 1979…

Cuộc triển lãm còn có những hình ảnh về cột mốc được cắm tại quần đảo Hoàng Sa vào năm 1838 hay những bức ảnh xúc động về những ngôi mộ gió tưởng nhớ linh hồn những người lính Hoàng Sa vào thời gian trước… Bên cạnh đó, còn có hình ảnh xây dựng, kiến thiết nơi hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa có người Việt Nam cư ngụ.

Chính vì thế, cho dù có những sai lệch trong nhận thức của TQ về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của họ thì người Việt Nam vẫn có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định một cách chắc chắn rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

 

 HIỀN LAN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=591
Quay lên trên