Huyền thoại một con đường - Bài 5

Cập nhật: 13-05-2019 | 07:21:53

 Bài 5: Xuyên vào “vùng trắng”

 Sau khi hợp nhất Đội vũ trang công tác Đăk Mil và Đoàn B.90 thành Ban Cán sự thống nhất chỉ đạo (mật danh là B4), đầu tháng 12-1959, các đội công tác của B4 bắt đầu triển khai xuống cơ sở. Hành trình xuyên vào “vùng trắng” bắt đầu. Việc mở đường khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam trên địa bàn nam Tây nguyên lúc này là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng nhưng vô cùng khó khăn gian khổ. Các đội phải xây dựng được cơ sở trong đồng bào dân tộc để làm bàn đạp xoi mở đường.

 Các cán bộ, chiến sĩ ở các đội xoi mở đường năm xưa vui mừng ngày gặp lại

Tích cực, khẩn trương

Trở lại dòng suối Đăk Rồ, Buôn Ja Rá ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông, ông Ao Sỹ, nguyên Chánh văn phòng B4 lại hoen hoen ngấn mắt. Ông nói từ nơi này, khó khăn nối tiếp khó khăn, nhưng vượt qua tất cả, anh em đã hoàn thành nhiệm vụ. Rồi ông bắt đầu kể về hành trình xây dựng cơ sở của B4.

Đầu tháng 12-1959, các đội công tác của B4 bắt đầu triển khai xuống cơ sở. Hành trình xuyên vào vùng trắng bắt đầu. Việc mở đường khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam trên địa bàn nam Tây nguyên lúc này là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng nhưng vô cùng khó khăn gian khổ. Các đội phải xây dựng được cơ sở trong đồng bào dân tộc để làm bàn đạp xoi mở đường.

Lúc này, B4 được tổ chức thành 3 đội, một mũi và hai bộ phận công tác, gồm một bộ phận xây dựng cơ quan, một bộ phận củng cố địa bàn, một mũi công tác bắc Quốc lộ 14, một đội mở đường xây dựng cơ sở lấy địa bàn yếu khu hành chính Đức Xuyên làm bàn đạp, hướng về tây nam tỉnh Tuyên Đức (nay là thành phố Đà Lạt) do đồng chí Ama Quang (Kpă Ngãi) phụ trách. Còn hai đội có nhiệm vụ mở đường về Nam bộ.

Ông Lê Đạo (Ama Nhao), cho biết trong điều kiện chiến trường mới lạ, cơ sở cách mạng chưa có, thời tiết ở Tây nguyên lúc bấy giờ vào mùa mưa, nước các suối đều dâng cao và chảy xiết; trời âm u, việc định hướng để cắt rừng rất khó khăn, không có phương tiện, dụng cụ thiên văn kể cả la bàn, hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm đội công tác phải mò mẫm bám từng buôn, móc ráp từng người dân, phải tự lo về lương thực hậu cần trong quá trình hoạt động.

Với phương châm “Tích cực, khẩn trương nhưng vững chắc, bảo đảm tuyệt đối bí mật và an toàn”, các đội, các hướng đã bám sát dân, móc ráp từng người dân, từng vùng rẫy, từng buôn làng, kiên trì vận động tuyên truyền vạch trần âm mưu và hành động của địch, kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng để chống Mỹ - Diệm, cứu nước, cứu rừng, giành độc lập tự do. Ông Ao Sỹ nhớ lại: “Các đội đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Có cán bộ ở đội 2 đã tự nguyện làm con nuôi trong gia đình mắc bệnh phong cùi để làm chỗ dựa công tác. Dần dần nhân dân nhận thức, gần gũi tiếp xúc, nghe ta tuyên truyền giáo dục cách mạng. Và với phương châm “vết dầu loang”, các đội đã xây dựng được cơ sở trong đồng bào dân tộc và mở ra một vùng địa bàn hoạt động rộng lớn.

Chỗ dựa nơi đồng bào

Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của lãnh đạo huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đến thăm xã Đồng Nai Thượng. Đây là xã xa nhất, sâu nhất của tỉnh Lâm Đồng. Đồng Nai Thượng ẩn mình như một “ốc đảo” hoang vu giữa đại ngàn Tây nguyên. Nơi đó, phía thượng nguồn sông Đồng Nai, dãy Bù Sa Lu Xiên tự ngàn đời đã có. Suối Đạ Roòng, Đạ Tơi vẫn hiền hòa tuôn chảy. Không biết từ bao giờ, ở xứ sở quanh năm “mây ấp núi” này, người Mạ, S’Tiêng đã quần tụ sinh sống. Từ đỉnh đồi Mây đã thấy màu xanh của cà phê, điều, lúa nước… ôm trọn những buôn làng.

 Buôn Ja Rá, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông, nơi bắt đầu hành trình của các đội xoi mở đường của B4

Cũng như bao buôn làng khác ở nam Tây nguyên, khi địch ngửi thấy hơi Việt cộng xuất hiện trên địa bàn mà lâu nay chúng huênh hoang là vùng “bất khả xâm phạm”, chúng tung bảo an, biệt kích, thám báo, mật vụ lùng sục, dò la; “Chúng kết hợp mua chuộc với khủng bố, hù dọa đồng bào. “Đánh hơi” có quân ta xuất hiện, chúng liên tục mở các cuộc hành quân càn quét và tung biệt kích đi sục sạo, truy tìm dấu vết của ta; chúng cấm đồng bào dân tộc không cho tiếp xúc với “Việt cộng”; treo giải thưởng cho nhân dân, người nào, làng nào giết hoặc bắt sống được một “Việt cộng” nộp cho “quốc gia” được thưởng 5.000 đồng/người”.

Ông Phạm Văn Nhường, nguyên chiến sĩ B4, cho biết những buổi đầu mở đường cực kỳ khó khăn nhưng được nhân dân hết lòng giúp đỡ. Mặc dù ở đây, đồng bào dân tộc đã có truyền thống đấu tranh từ thời chống Pháp và là hậu duệ của người anh hùng dân tộc N’Trang Long, nhưng lúc bấy giờ Mỹ - Diệm tuyên truyền xuyên tạc “Việt cộng là người rừng, ăn thịt người, cướp của nhân dân…”, làm cho dân chúng sợ hãi. Nhưng khi các đội công tác móc ráp với những nòng cốt trong dân thì đồng bào dần hiểu được Việt cộng làm việc hợp lòng dân là đánh đổ đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Diệm mà chúng tự xưng là “quốc gia” nên nhân dân sẵn sàng giúp đỡ, che chở, tuyệt đối bí mật hoạt động của đội công tác, thực hiện phương châm “Không biết, không thấy, không nghe”, bịt tai che mắt địch.

Buôn Bù Sa Lu Xiên là một điển hình. Cuối những năm 1960, vùng này chỉ vỏn vẹn mấy nóc nhà dài, nhưng đồng bào Mạ, S’Tiêng một lòng theo cách mạng, cầm súng chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo đảm an toàn cho cán bộ khu ủy. Nhắc đến Đồng Nai Thượng, người ta nghĩ ngay đến vùng căn cứ thuộc Chiến khu Đ trong kháng chiến chống Mỹ. Và cái tên Điểu Thị Lôi (Năm Lôi), không chỉ đã gắn liền với những chiến công trong kháng chiến mà còn là “đầu tàu” dẫn dắt người dân xây dựng cuộc sống trong thời bình. Bà Điểu Thị Lôi khi mười mấy tuổi đã tham gia đem cơm cho bộ đội. Năm 1970, bà được phong “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Và biệt danh “ma nữ” Năm Lôi mà kẻ địch kinh sợ, gắn cho người đàn bà có vóc dáng nhỏ bé, nhưng rắn rỏi này trở thành biểu tượng tiếp thêm sinh lực cho những du kích người Mạ, S’Tiêng giữa rừng già Đồng Nai Thượng.

Bà Điểu Thị Lôi nói: “Mình là du kích nữ, theo kháng chiến từ hồi còn con gái vừa mới lớn, chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi thôi. Ở nơi này, nhiều người cũng như mình làm cách mạng để đánh đuổi Mỹ, để dân làng bình yên. Chuyện cũng bình thường thôi mà. Có điều, thằng Mỹ thằng ngụy lại gọi mình là ma nữ...”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, miền đất này là vùng căn cứ quan trọng thuộc Chiến khu Đ. Các cán bộ, chiến sĩ bám sát dân, từng vùng rẫy, từng buôn làng, kiên trì vận động nhân dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc, cứu nước, cứu rừng, cứu dân tộc, giành độc lập tự do. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, nhờ đó các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tạo được tình thương yêu gắn bó với nhân dân, đem ánh sáng cách mạng đến với đồng bào. Từ đó, lực lượng trung kiên nòng cốt trong các buôn làng phát triển ngày càng đông, tin cậy và vững chắc. Con đường từng bước xoi mở, nhích dần về Nam. (còn tiếp)

 ...Nhắc đến Đồng Nai Thượng, người ta nghĩ ngay đến vùng căn cứ thuộc Chiến khu Đ trong kháng chiến chống Mỹ. Và cái tên Điểu Thị Lôi (Năm Lôi), không chỉ đã gắn liền với những chiến công trong kháng chiến mà còn là “đầu tàu” dẫn dắt người dân xây dựng cuộc sống trong thời bình. Bà Điểu Thị Lôi khi mười mấy tuổi đã tham gia đem cơm cho bộ đội. Năm 1970, bà được phong “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

 THU THẢO   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên