Những công dân… U40

Cập nhật: 25-04-2015 | 10:57:15

Được sinh ra vào năm 1975, những công dân này năm nay vừa tròn 40 tuổi, đúng bằng thời gian kể từ khi đất nước ca vang khúc khải hoàn, giang sơn được thu về một mối. Họ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nhưng cũng phải trải qua tuổi thơ đầy khó khăn sau khi chiến tranh kết thúc. Vượt lên khó khăn, họ gắng sức học tập, rèn luyện để trở thành một thế hệ công dân mới của đất nước, chung tay xây dựng quê hương.

Anh Huỳnh Văn Trí, chánh án tòa án nhân dân huyện Bắc Tân Uyên: Phát huy truyền thống, luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm.

Sinh ra đúng vào năm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh Trí là thế hệ công dân đầu tiên của đất nước không phải sống trong cảnh bom đạn của chiến tranh. Tuy nhiên, những năm sau đó đời sống khó khăn, anh tưởng chừng như không thể được đến trường. Ba mẹ anh đã phải rất cố gắng để nuôi anh ăn học thành người. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật ở TP.Hồ Chí Minh, anh tham dự đợt thi công chức của tỉnh và trúng tuyển vào làm việc tại ngành tòa án. Nhận thức được tính chất công việc nên anh đã tích cực trau dồi kiến thức, kỹ năng để phục vụ tốt công việc. Năm 28 tuổi, anh đã vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Anh Trí nói: “Theo lời Bác dạy, đã là người cán bộ tòa án, thì phải “phụng công”, từ ngày bắt nhịp với ngành, trải qua nhiều đơn vị công tác, tôi luôn lấy tư tưởng đó làm phương châm để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ đất nước, phụng sự nhân dân. Là ng ười “cầm cân nảy mực”, cán bộ tòa án phải thực thi pháp luật rõ ràng, minh bạch, khách quan, giữ gìn, bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, không vì bất cứ lý do gì mà bẻ cong cán cân, làm trái pháp luật. Đó chính là sứ mệnh và trách nhiệm của một đảng viên không chỉ riêng tôi mà còn nhiều đảng viên khác nữa trong ngành. Nhận thức rõ vai trò người đảng viên, người lãnh đạo của đơn vị, tôi luôn nhắc nhở bản thân và cán bộ công chức ngành phải giữ đạo đức phẩm chất, nâng cao tinh thần trách nhiệm và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh phụng công, thủ pháp, chí công vô tư để ngành tòa án nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao…”. 

Anh Trần Thanh Thế Hiển, phó trưởng phòng phụ trách hành chính - quản trị, bí thư đoàn trường Trung cấp mỹ thuật- văn hóa Bình Dương: Tuổi trẻ là phải cống hiến

Gắn bó với công tác Đoàn nhiều năm liền, anh Hiển luôn là người anh, người bạn của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong nhà trường. Ngoài việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ đời sống tinh thần, anh còn tổ chức nhiều chương trình, hội thi đề giáo dục đạo đức, lối sống cho ĐVTN. Đồng thời, anh rất tích cực trong các hoạt động từ thiện, thường xuyên vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, xây tặng nhà tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, thời gian qua, anh đã có nhiều sáng kiến góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên. Điển hình là đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Xây dựng hoài bão, lối sống đẹp cho ĐVTN - học sinh sinh viên qua hoạt động xã hội, từ thiện”. “Sinh ra vào năm miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, lớn lên trong không khí hòa bình, được học hành, được tự do sáng tạo, nâng cao vị thế nghề nghiệp, tôi không thể nào quên hai chữ cống hiến. Có cống hiến thì mới được hưởng thụ. Cha anh đi trước đã không tiếc máu xương vì nền độc lập dân tộc, thế hệ hôm nay phải phát huy tốt thành quả cách mạng của cha anh, tiếp nối ngọn lửa yêu nước, góp phần xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập, sánh vai cùng bè bạn năm châu”, anh Hiển nói. Với những cố gắng, nỗ lực của bản thân, anh Hiển đã nhận được nhiều danh hiệu khen thưởng như 3 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở của Sở Giáo dục - Đào tạo; bằng khen của Tỉnh đoàn vì có thành tích xuất sắc trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2014; bằng khen của Trung ương Đoàn vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi năm 2014.

Anh Lê Quang Sơn, trưởng khoa Cơ khí, trường Cao đẳng công nghệ Cao Đồng An: Sống là luôn nỗ lực không ngừng

Được sinh ra vào năm đất nước thống nhất, khi nói chuyện với chúng tôi, anh Sơn không giấu được ánh mắt đầy tự hào. May mắn khi sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nhưng ký ức về tuổi thơ nghèo khó những năm sau chiến tranh vẫn in sâu trong tiềm thức. Anh chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ cảnh 9 anh em thay phiên mặc áo cũ của nhau, những bữa cơm trộn toàn khoai là khoai. ..”. Năm 1983, gia đình anh chuyển vào sống ở vùng kinh tế mới Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé. Chính khó khăn, vất vả của tuổi thơ đã hun đúc trong anh nghị lực sống, quyết tâm theo đuổi niềm đam mê khoa học. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, anh xin vào làm tại một công ty của Nhật. Vừa kiếm thêm thu nhập giúp đỡ cho gia đình, vừa trang trải cho việc học hành để thực hiện ước mơ lấy tấm bằng thạc sĩ. Hiện nay, Lê Quang Sơn là Trưởng khoa Cơ khí của trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An, có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp trồng người của tỉnh nhà. Tháng 1-2014, anh được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Trong cuộc thi “Mô hình dạy nghề tự làm” tổ chức năm 2013, trường vinh dự đạt giải nhất cấp tỉnh và giải ba toàn quốc. Là thành viên chính trong hội đồng nhà trường, anh có nhiều đóng góp quan trọng cho những sáng tạo khoa học của tỉnh. Nói về sự đổi thay của quê hương Bình Dương sau 40 năm đất nước thống nhất, anh cho rằng đây là kết quả của sự phát huy truyền thống đấu tranh anh hùng cùng với tư duy sáng suốt của lãnh đạo tỉnh; đặc biệt là chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng, mời gọi đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thu hút chất xám và chú trọng phát triển toàn diện. “Để tiếp tục phát huy thành quả của cha ông để lại, mỗi cá nhân phải luôn nỗ lực cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh. Bởi, sống là luôn nỗ lực không ngừng”, anh Sơn nói. 

 NHÓM P.V 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên