Phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một: Chú trọng công tác cảm hóa đối tượng lầm lỗi

Cập nhật: 27-05-2015 | 09:42:17

Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH), góp phần giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương, năm 2012, Hội Phụ nữ, Công an (CA) phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Quản lý giáo dục con em không vi phạm pháp luật trên địa bàn. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, mô hình này đã góp phần vào việc giữ vững ANTT ở địa phương và vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen.

 Thượng úy Đỗ Hoàng Giang (giữa) đang trò chuyện với người nhà Lê Văn Tấn Tài, một thanh niên được anh bảo lãnh xin việc làm. Ảnh: T.QUANG

Thiết thực, gần gũi

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, CLB Quản lý giáo dục con em không vi phạm pháp luật phường Phú Cường (gọi tắt là CLB) xác định công tác vận động, tuyên truyền pháp luật đến thanh niên hư hỏng, chậm tiến sinh sống trên địa bàn phải tiến hành theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Theo đó, 88 hội viên của CLB sinh hoạt ở 14 tổ/14 khu phố đã phối hợp đồng bộ để từng bước nâng cao hiệu quả trong công tác này.

Trung tá Lê Ngọc Thủy, Trưởng CA phường Phú Cường, cho biết: “CA phường thường xuyên rà soát để theo dõi và tuyên truyền, vận động, giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng, chậm tiến trên địa bàn. Từ đó, Ban chủ nhiệm CLB đã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, quản lý giáo dục cảm hóa đối tượng, không để vi phạm pháp luật. Lực lượng CA thường xuyên mời gọi các đối tượng này để răn đe, cho làm cam kết không vi phạm pháp luật. Nhờ làm tốt công tác này, trong 3 năm qua, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn phường Phú Cường đã giảm đáng kể”.

Cũng theo trung tá Thủy, phường Phú Cường hiện có 73 đối tượng nghiện ma túy ngoài xã hội. Các đối tượng này không có nghề nghiệp ổn định nên có nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Vì thế, thời gian qua, CA phường đã bảo lãnh, giới thiệu việc làm cho hàng chục người với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, CLB cũng thành lập “địa chỉ tin cậy” đối với những phụ nữ bị bạo hành gia đình. Trong công tác này, lực lượng CA phường là những người nhanh chóng tiếp xúc với những ông chồng vũ phu; thường xuyên đến nhà để vận động, tuyên truyền và gọi hỏi, răn đe. Với hình thức hoạt động này, 2 năm nay, trên địa bàn phường Phú Cường tình trạng bạo hành gia đình giảm đáng kể.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, Hội Phụ nữ phường Phú Cường đã chú trọng đầu tư xây dựng các mô hình can thiệp tại cộng đồng, phù hợp với điều kiện của địa phương. Các mô hình này đã thu hút sự tham gia của nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và TNXH; thể hiện vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình để tác động, giáo dục, thuyết phục các thành viên trong gia đình không vi phạm pháp luật, không vướng vào các TNXH, tích cực chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bà Lê Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ nhiệm CLB Quản lý giáo dục con em không vi phạm pháp luật phường Phú Cường, cho biết: “Ngoài việc tiếp cận để cảm hóa đối tượng, nhiều năm nay, Hội Phụ nữ phường và Ban chủ nhiệm CLB đã giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện địa phương đang duy trì hoạt động 13 tổ tiết kiệm xoay vòng vốn, giúp 160 người được vay vốn không có lãi suất. Ngoài ra, còn có 136 triệu đồng từ nguồn vốn của các Mạnh Thường Quân trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã giúp 91 phụ nữ đơn thân được vay vốn ưu đãi. Thực tế cho thấy nhiều gia đình thường xảy ra xung đột đều bắt đầu từ khó khăn về vật chất, vì thế Ban chủ nhiệm đã tạo điều kiện để trao “cần câu cơm” cho các gia đình khó khăn có thêm điều kiện để cải thiện cuộc sống”.

Đến từng nhà để vận động

Theo chân thượng úy Đỗ Hoàng Giang, Cảnh sát khu vực phụ trách KP.11, phường Phú Cường đến nhà Lê Văn Tấn Tài (20 tuổi, KP.11), chúng tôi được nghe những lời động viên chân tình của người chiến sĩ CA trong việc vận động Tài chí thú làm ăn.

Lê Văn Tấn Tài là con út trong một gia đình không mấy khá giả, chỉ vì nghe theo lời bạn xấu, không ít lần Tài đã cầm xe để lấy tiền ăn chơi. Xác định công tác cảm hóa đối tượng là phải hòa đồng, gần gũi và chân tình, sau khi nhận nhiệm vụ công tác tại địa bàn, thượng úy Giang đã thường xuyên đến nhà Tài thăm hỏi, tuyên truyền pháp luật và đã bảo lãnh xin việc làm cho Tài. Lê Văn Tấn Tài cho biết: “Có việc làm, có thu nhập ổn định, tôi đã ý thức mình phải cố gắng hoàn thiện, không ngừng phấn đấu để không phụ lòng mọi người xung quanh mình”.

Ngoài anh Tài, còn nhiều trường hợp khác nhờ sự động viên, quan tâm kịp thời của địa phương mà họ đã biết vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như anh Phạm Thái Bình (24 tuổi, ngụ KP.10). Sau ngày chấp hành xong án phạt tù về tội gây rối trật tự công cộng, trở về địa phương anh Bình được hội viên trong CLB đến tận nhà động viên và định hướng cho việc buôn bán, tham gia tích cực vào phong trào giữ gìn ANTT trên địa bàn. Được sự giúp đỡ của CLB, bản thân Phạm Thái Bình không ngừng nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống. Vừa qua, anh được Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen về gương điển hình vượt khó. Anh Bình cho biết: “Những gì tôi có được hôm nay là nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhất là các thành viên trong CLB đã giúp tôi vượt qua giai đoạn mặc cảm với xã hội. Vì thế bản thân tôi tự nhủ luôn phải sống tốt hơn nữa và tích cực tham gia giữ gìn ANTT ở cộng đồng khu dân cư để đền đáp lại những gì mọi người đã dành cho mình”.

 THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên