Thảo luận việc gia nhập Công ước, Nghị định thư Cape Town

Cập nhật: 15-10-2013 | 00:00:00

Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town cho phép Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mua máy bay.

Sáng nay (15-10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).

Tiếp cận nguồn vốn ưu đãi khi gia nhập

Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành nghiên cứu và đề xuất việc  Việt Nam gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.

  Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town cho phép Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mua máy bay

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trình bày cho biết, mục tiêu cơ bản của Công ước và Nghị định thư Cape Town nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê tài chính và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các quốc gia thành viên của Công ước và Nghị định thư tại bất kỳ giai đoạn phát triển nào, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển bởi việc mang lại các khoản tín dụng thương mại đối với các trang thiết bị tàu bay trước đây không dễ dàng tiếp cận vì chi phí cao.      

Công ước và Nghị định thư đã xác lập một cơ chế pháp luật vững chắc thống nhất ở phạm vi quốc tế để bảo vệ các lợi ích, bảo lưu quyền sở hữu và quyền lợi của người cho thuê; khuyến khích việc cấp tín dụng, cho thuê và giảm các chi phí liên quan.

Công ước và Nghị định thư bảo đảm tốt hơn cho chủ nợ, người cho thuê khi rủi ro mất tài sản, tăng mức độ tín nhiệm đối với các khoản vay, thuê dẫn đến khả năng cho phép các tổ chức xuất khẩu tín dụng giảm chi phí đánh vào vốn vay thông qua cơ chế đăng ký quyền lợi quốc tế và các chế tài áp dụng thống nhất đối với thân tàu bay, động cơ tàu bay và trực thăng được hình thành trên cơ sở vay tín dụng để thuê, mua.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, ngành hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và nhu cầu về phát triển đội tàu bay hiện đại rất cần tiếp cận các nguồn vốn vay với chi phí vay thấp. Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không thì đến năm 2020 tổng số tàu bay khoảng 140-150 chiếc và sở hữu chiếm khoảng 50%. Như vậy ngoài tàu bay thuê, thì việc vay vốn mua tàu bay và thế chấp bằng chính tàu bay đó cần một nguồn vốn rất lớn.

Việc được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi cho phép các hãng hàng không tăng cường được mức độ an toàn và hiệu quả khai thác đội tàu bay thế hệ mới, gia tăng được lợi nhuận. Hơn nữa, khi các nhà sản xuất tàu bay có được mức bán cao thì chi phí sau bán hàng cũng sẽ được giảm đáng kể khi thị trường được mở rộng.

Cân nhắc thuận lợi và khó khăn

Theo Tờ trình, việc Việt Nam gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là hết sức cần thiết, là điều kiện tiên quyết để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức kinh tế của Việt Nam tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế trong việc phát triển đội tàu bay, nâng cao năng lực vận tải và khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng cần nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định tham gia Công ước và Nghị định thư, trong đó cần đánh giá tình hình thực tế của Việt Nam cũng như lường hết mọi khả năng cả về thuận lợi và thách thức, khó khăn khi gia nhập.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, các quy định của Công ước và Nghị định thư tạo điều kiện vay nợ với nhiều ưu đãi nhưng điều kiện ràng buộc rất chặt chẽ và chủ nợ nắm đằng chuôi. Đây là những văn bản pháp lý hết sức phức tạp do đó cần nghiên cứu kỹ điều kiện của nước ta và cân nhắc khả năng gia nhập vào thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hiện cũng nhấn mạnh, giải trình cần cung cấp thông tin đầy đủ và thuyết phục hơn, như thực trạng huy động nguồn tín dụng trong những năm gần đây, khả năng huy động vốn hiện tại và trong tương lai cho ngành hàng không; tình hình bảo lãnh của Chính phủ trong những khoản vay và tính đến nguy cơ Chính phủ trở thành con nợ khi doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, thua lỗ. Sự tương thích của Công ước và Nghị định với luật hiện hành của nước ta còn có điểm khác biệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, khi tham gia, ngoài việc phải chịu sự ràng buộc về mặt pháp lý thì chúng ta còn chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Điều ông Hiển băn khoăn là doanh nghiệp thua lỗ, không trả nợ đúng hạn thì bị xử lý nhanh gọn, buộc giao máy bay cho chủ nợ. Điều đó ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sản xuất cũng như liên quan phần vốn đối ứng.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết nhiều vấn đề liên quan đến nội dung Công ước chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, ngoài ra còn có những vấn đề khác biệt.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị cần rà soát lại, giải trình rõ hơn nhiều nội dung, trong đó lường hết cả mặt thuận lợi và khó khăn, trình Quốc hội xin ý kiến theo quy định.

Theo VOV
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên