Thu tiền xe vào chợ Hàng bông Phú Hòa với giá “trên trời”!: Cần có biện pháp chấn chỉnh

Cập nhật: 26-08-2016 | 10:01:59

Cánh tài xế đường dài khi vận chuyển nông sản vào chợ Hàng bông Phú Hòa (phường Phú Hòa, TP.TDM) không khỏi ngán ngẩm khi hàng ngày phải đóng một số tiền quá cao và rất ít khi được nhận biên lai thu tiền. Nếu bức xúc và lên tiếng phản đối việc này, xe của họ sẽ không được lọt qua cổng chợ, vì vậy họ chỉ biết lặng lẽ đóng tiền…

Xe bao nhiêu tấn, lấy bấy nhiêu tiền!

Nằm trên đường ĐT743, chợ đầu mối này là nơi tiếp nhận, phân phối các mặt hàng nông sản, trái cây cho nhiều tiểu thương trong tỉnh. Điều đáng mừng là có khoảng 2/3 mặt hàng nông sản trong tỉnh được tiêu thụ tại đây. Các địa phương có thế mạnh về rau, củ, quả như Long An, Tiền Giang, Đắc Lắc, Lâm Đồng… cũng đưa hàng về chợ để tiêu thụ với số lượng lớn. Vì thế, mỗi ngày khu chợ tiếp nhận hàng trăm lượt xe ra vào. Điều đáng nói là thời gian gần đây, việc thu tiền xe vào chợ quá cao, ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các tiểu thương. Để bù vào khoảng tiền này, không ít tiểu thương chủ động nâng giá các mặt hàng kinh doanh, nên đã ảnh hưởng không nhỏ về giá cả so với một số khu chợ khác ở TP.HCM và các tỉnh lân cận.

 

Xe lôi vào chợ cũng bị thu tiền 10.000 đồng/lượt

Theo ghi nhận của P.V, hàng ngày, ngay đầu cổng chợ luôn có người túc trực để thu tiền xe vào chợ. Các phương tiện như xe lôi, xe tải khi vào chợ phải đóng một khoản phí rất cao. Các loại xe lôi thì phải đóng 10.000 đồng/lượt. Xe tải thì bị thu theo tấn. Trọng tải xe bao nhiêu tấn phải đóng bấy nhiêu tiền. Khi vận chuyển hàng vào chợ, cánh tài xế chỉ biết đưa tiền nhưng ít khi nhận được biên lai từ người thu. Anh N.V.N, tài xế xe tải 61N… bức xúc cho biết: “Nhà tôi ở Dầu Tiếng, chúng tôi kinh doanh nhiều mặt hàng chứ không riêng gì hàng nông sản. Cả nhà chỉ có chiếc xe tải 5 tấn làm phương tiện vận chuyển. Vài ba hôm tôi đánh xe về chợ lấy hàng một lần. Có khi tôi đưa xe vào chợ chỉ lấy vài trăm ký hàng nhưng phải đóng 50.000 đồng/lượt. Đây là một mức phí quá cao, ít nhiều ảnh hưởng đến việc kinh doanh của chúng tôi. Để có lãi, tôi phải tăng giá bán lẻ các mặt hàng”.

Có chung hoàn cảnh, anh L.V.H, một tài xế xe tải ở Tiền Giang, cho biết: “Tôi đã có nhiều năm trong nghề vận chuyển trái cây từ Tiền Giang lên chợ này để tiêu thụ. Ngày trước, chợ chỉ thu từ 10.000 -15.000 đồng/lượt xe vào chợ. Nhưng thời gian gần đây, Ban Quản lý (BQL) chợ cho thu theo số tấn quy định trên xe, khiến chúng tôi hết sức bức xúc. Hàng ngày, tôi vận chuyển hàng qua nhiều khu chợ, nhưng chưa có nơi nào thu tiền xe vào chợ cao như ở đây”.

Theo anh H., ở chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Đức, TP.HCM), cánh tài xế đưa xe vào chợ chỉ đóng 15.000 đồng/lượt. “Chúng tôi ít khi được người thu tiền đưa biên lai, nên khi về không biết ăn nói sao với chủ xe. Chúng tôi chỉ là người làm công ăn lương. Cánh tài xế vận chuyển các mặt hàng nặng như bí đao, bí đỏ từ Đắc Lắc về thường phải vận chuyển bằng xe tải lớn, vậy là phải đóng phí từ 100.000 đồng/ lượt khi đưa xe vào chợ. Không ít lần họ đã cự cãi với người thu tiền về việc này, lập tức bị cấm đưa xe vào chợ. Vậy là tất cả đều câm nín vì sợ ảnh hưởng đến kinh doanh. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương xem xét, có hình thức niêm yết giá và thu lệ phí phải có biên lai theo đúng quy định”, anh H. bày tỏ.

Ngoài ra, nhiều tài xế bức xúc vì khi đến giờ cao điểm, không thể đưa xe vào chợ được nhưng người của BQL chợ vẫn ra thu tiền, sau đó hướng dẫn tài xế đậu xe tạm bên hành lang đường bộ. Việc này đã vi phạm an toàn giao thông. Khi bị lực lượng của phường kiểm tra, xử lý thì cánh tài xế phải gánh thêm phần tiền phạt…

 

Nhiều tài xế xe tải than phiền khi vào chợ họ phải đóng phí theo số tấn của xe

Bao giờ niêm yết giá?

Bên cạnh bức xúc về thu phí xe vào chợ, nhiều tiểu thương trong chợ còn than phiền về giá cho thuê mặt bằng ki-ốt kinh doanh quá cao, các hố ga trong chợ thường bốc mùi hôi thối. Nhiều con đường ra vào chợ xuống cấp, tù đọng nước gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Trao đổi với P.V về những bức xúc của tài xế, tiểu thương, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trung Kiên (đơn vị chủ quản chợ Hàng bông Phú Hòa), cho biết, cách đây khoảng 5 năm, theo chủ trương xã hội hóa của tỉnh, Doanh nghiệp tư nhân Trung Kiên đứng ra thuê mướn lại khu chợ để kinh doanh. Thời gian thuê chợ là 50 năm và đóng thuế khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. “Mặt bằng ở chợ chúng tôi cũng thường xuyên nâng cấp, nhưng do xe vào chợ mỗi ngày nên không tránh được hư hỏng. Việc bốc mùi ở các hố ga trong chợ là có. Vì ngoài việc xả thải ở chợ hàng ngày, cống xả thải của khu chợ còn là nơi xả thải chung của nhiều hộ dân. Tuy dùng chung hệ thống xả thải, nhưng doanh nghiệp chúng tôi cũng nhiều lần chi tiền ra nạo vét. Còn việc tiểu thương phàn nàn về giá cho thuê ki-ốt là không đúng, vì việc này ngay từ đầu bắt tay quản lý chợ chúng tôi đã có quy định chung, đó là tăng giá thuê ki-ốt có lộ trình và tiểu thương đã đồng ý”, ông Dũng nói.

Trả lời về việc thu phí xe vào chợ quá cao, ông Dũng cho biết việc này Doanh nghiệp tư nhân Trung Kiên đã khoán lại cho một người tên Thủy đứng ra thu tiền xe và thu hoa chi ở chợ (thu các hộ kinh doanh không có ki- ốt). Tuy nhiên, việc thu chi này đều có niêm yết giá tại cổng chính ra vào chợ. Khi P.V bảo rằng không hề thấy bảng niêm yết nào được dán ở cổng chợ, khiến cánh tài xế bức xúc, ông Dũng phân trần: “Trước đây có dán nhưng khoảng 2 tháng nay bảng niêm yết giá bị rơi mất. Tới đây chúng tôi sẽ yêu cầu BQL chợ dán niêm yết giá trở lại. Tôi sẽ làm việc lại với chị Thủy trong việc thu giá xe quá cao như cánh tài xế phản ánh”.

Làm việc với P.V, ông Nguyễn Văn Ân, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, TP.TDM, cho biết: “Cách đây mấy hôm, khi tuần tra qua khu vực chợ, lực lượng chức năng của phường có báo với tôi về một số tài xế đậu xe trên hành lang đường bộ. Những tài xế này bảo rằng đã bị bà Thủy thu tiền trước đó. Tôi có chỉ đạo lực lượng của phường cứ xử lý theo quy định pháp luật. Ngay con hẻm bên hông trụ sở Công an phường có dán biển cấm đậu xe nhưng thỉnh thoảng các tài xế sau khi bị bà Thủy thu tiền xe đã hướng dẫn đến đậu ở đây khiến người dân đi lại khó khăn, chúng tôi đã cho xử lý nghiêm”.

“Khu chợ này đã được xã hội hóa nên hiện phường không đứng ra thu thuế, hay can thiệp vào việc kinh doanh tại chợ mà chỉ tập trung vào việc giữ gìn an ninh trật tự. Thời gian qua UBND phường chưa nhận được sự phản ánh việc thu tiền xe vào chợ quá cao từ cánh tài xế. Tới đây, phường sẽ mời chị Thủy - người trực tiếp thu tiền xe vào chợ và đại diện Doanh nghiệp tư nhân Trung Kiên đến làm việc về những gì mà tiểu thương, tài xế phản ánh như thu tiền xe, tăng giá mặt bằng để xem việc làm này có đúng theo quy định của các cấp hay không. Nếu có sẽ sớm chấn chỉnh để không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh tại chợ. Tới đây, việc niêm yết giá sẽ sớm được thực hiện”, ông Ân cho biết.

Q.TÁM

Chia sẻ bài viết
Rất nhiều năm nay chúng tôi không hề thấy trao bảng gì hết. Ông này được xem là vua chợ, ở đâu ông cũng ép tiểu thương đó. Vạch tội ông này ra cho dân nhờ. Ông này bành trướng nhiều nơi chứ không riêng gì Phú Hòa đâu.
Trạch Nhân (Cách đây 8 năm)
cần quân tâm đến chất lượng ở một số chợ tư nhân, chợ nhà nước hiện nay. một số chợ xây xong bỏ trống không ai vào kinh doanh trong đó có chợ nhà nước.
Doàn văn Viên (Cách đây 8 năm)
Bà thủy này nổi tiếng gần 20 năm.vậy mà phường bảo ko biết gì hết !!!!
Nguyen phuc hau (Cách đây 8 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên