TP.Dĩ An: Giải quyết các “điểm nóng” về chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Cập nhật: 23-04-2020 | 09:18:11

Sau thời gian thực hiện kế hoạch chuyên đề về lập lại trật tự ngành nghề chăn nuôi, đến nay trên địa bàn TP.Dĩ An đã có hơn 94% cơ sở chăn nuôi (CSCN) trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường được di dời hoặc ngưng hoạt động. Đối với các CSCN còn lại, UBND TP.Dĩ An tiếp tục chỉ đạo UBND các phường có trách nhiệm kiểm tra, xử lý.


Khu vực có hàng chục hộ chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, gần ký túc xá Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (phường Đông Hòa) đã được giải tỏa, được người dân đánh giá cao

Giải quyết các “điểm nóng” chăn nuôi

Trước hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, UBND TX.Dĩ An (nay là TP.Dĩ An) đã ban hành Kế hoạch 1947/KH-UBND ngày 30-7-2014 về việc tổ chức kiểm tra và lập lại trật tự đối với ngành nghề chăn nuôi trên địa bàn (gọi tắt là Kế hoạch 1947).

Theo đó, UBND TP.Dĩ An giao Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì phối hợp thực hiện thí điểm tại phường Tân Đông Hiệp trước khi phổ biến, nhân rộng tại các phường còn lại. Để thực hiện Kế hoạch 1947 đạt hiệu quả, Phòng TN-MT đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động chăn nuôi trên địa bàn phường Tân Đông Hiệp. Qua kiểm tra, trên địa bàn phường Tân Đông Hiệp có 71 CSCN có quy mô nhỏ lẻ, nằm xen lẫn trong các khu dân cư, không phù hợp với định hướng phát triển và quy hoạch của địa phương. Đáng nói là nhiều CSCN chưa thực hiện các giải pháp xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường như gây mùi hôi, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh và mỹ quan đô thị. Từ đó, Phòng TN-MT phối hợp với UBND phường Tân Đông Hiệp tiến hành tuyên truyền, vận động các CSCN trên di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề. Đến thời điểm hiện nay đã có 71/71 CSCN di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Nói về kết quả trên, bà Võ Thị Bạch Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp, cho biết: “Trước đây vấn đề chăn nuôi, nhất là nuôi heo trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân luôn trở thành vấn đề nóng trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Từ khi thực hiện thí điểm Kế hoạch 1947, tình trạng chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường đã được giải quyết dứt điểm, được người dân đồng thuận, đánh giá cao”.

Trên cơ sở kết quả đạt được tại phường Tân Đông Hiệp, Phòng TN-MT đã hướng dẫn UBND các phường còn lại thực hiện kiểm tra, lập lại trật tự ngành nghề chăn nuôi. Đến nay, trên địa bàn TP.Dĩ An đã có 445/472 CSCN di dời hoặc ngưng hoạt động, còn lại 27 CSCN đang hoạt động và phát sinh mới 15 CSCN. Bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng TN-MT TP.Dĩ An, cho biết: “Trong quá trình thực hiện Kế hoạch 1947, Phòng TN-MT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, định hướng kịp thời của UBND thành phố. Bên cạnh đó, UBND các phường đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc kịp thời tham mưu UBND thành phố đề ra các giải pháp thực hiện Kế hoạch 1947 một cách hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế tại từng phường. Đối với công tác tuyên truyền, Phòng TN-MT cùng UBND các phường đã hướng dẫn, giải thích tận tình cho các CSCN hiểu rõ về chính sách, chủ trương của chính quyền địa phương và các quy định pháp luật liên quan về điều kiện chăn nuôi. Qua đó, các CSCN đã hiểu rõ ngành nghề chăn nuôi không còn phù hợp với quá trình phát triển đô thị của địa phương. Nhiều CSCN thống nhất, đồng tình với chủ trương ngưng chăn nuôi của UBND thành phố để bảo đảm vệ sinh môi trường, từ đó góp phần xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp, văn minh và hiện đại”.

Tiếp tục di dời CSCN còn lại

Theo đánh giá của Phòng TN-MT TP.Dĩ An, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập lại trật tự đối với ngành nghề chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Vì chủ các CSCN chủ yếu là người lớn tuổi, không còn đủ sức lao động nên mong muốn được tiếp tục chăn nuôi để cải thiện kinh tế, giải quyết việc làm cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, một số CSCN kiến nghị các cơ quan chức năng tạo mọi điều thuận lợi về thời gian để họ thu hồi vốn và mong được hỗ trợ kinh phí ngưng chăn nuôi hoặc hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề, tìm đầu ra cho ngành nghề được chuyển đổi phù hợp với nhu cầu thực tế.

Nói về việc di dời các CSCN còn lại tại địa phương, ông Phạm Văn Ngọ, Chủ tịch UBND phường An Bình, cho biết: “Đến nay, UBND phường cùng các ngành chức năng đã buộc di dời hoặc ngừng hoạt động được 22/29 CSCN gây ô nhiễm môi trường. Hiện trên địa bàn phường còn 7 CSCN, chủ yếu là chăn nuôi heo với quy mô đàn đã giảm khoảng 50% so với trước đây, tập trung tại khu vực cầu Gió Bay (khu phố Bình Đường 3) nhưng không ảnh hưởng nhiều đến người dân xung quanh. Nếu ngành chức năng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành vi chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường đối với các CSCN này thì không đủ sức răn đe để buộc họ chấm dứt hoạt động. Vì vậy, UBND phường kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với địa phương kiểm tra, xử phạt hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sắt để các CSCN này ngừng hoạt động”.

Còn tại phường Đông Hòa, vấn đề chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường đã được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm, được người dân đánh giá cao. Tuy nhiên trên địa bàn phường Đông Hòa hiện còn có 7 CSCN, chủ yếu là chăn nuôi bò với số lượng khoảng 95 con. Ông Võ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hòa, cho biết: “Sau thời gian thực hiện quyết liệt các giải pháp lập lại trật tự ngành nghề chăn nuôi, chính quyền địa phương đã vận động được 173/180 CSCN di dời hoặc ngưng hoạt động. Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm đất trong khu đô thị Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh để chăn nuôi heo đã được giải quyết dứt điểm. Đối với 7 CSCN còn lại, UBND phường tiếp tục vận động chủ CSCN ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh”.

Sau gần 7 năm thực hiện Kế hoạch 1947, trên địa bàn TP.Dĩ An có 2 phường Dĩ An và Tân Đông Hiệp có tỷ lệ hộ gia đình ngưng chăn nuôi đạt 100%; các phường Bình An, Đông Hòa và Tân Bình đạt trên 85%; riêng phường Bình Thắng và An Bình chỉ đạt lần lượt là 76,2% và 75,9%.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị trên địa bàn TP.Dĩ An, bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng TN-MT TP.Dĩ An, kiến nghị: “UBND các phường cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật và chủ trương của UBND thành phố về việc lập lại trật tự chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Cùng với công tác tuyên truyền, UBND các phường chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và kiên quyết xử lý các CSCN phát sinh mới trên địa bàn sao cho có hiệu quả và nhanh chóng. Trong công tác xử lý hành chính, UBND phường cần theo dõi việc chấp hành nộp phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả của CSCN vi phạm. Trường hợp CSCN không thực hiện quyết định xử phạt hành chính, UBND các phường phải ban hành thông báo yêu cầu chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 15 ngày. Sau thời gian trên, nếu CSCN vẫn chưa chấp hành, UBND các phường củng cố toàn bộ hồ sơ ban hành quyết định cưỡng chế theo quy định. Nếu CSCN tiến hành nộp phạt nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục thì UBND các phường tiếp tục tổ chức phúc tra, lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Nếu UBND các phường gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý CSCN thì có văn bản gửi UBND thành phố để đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn xử lý”.

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên