Trung tâm giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Dương: 20 năm hình thành và phát triển

Cập nhật: 07-11-2018 | 14:10:50

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) là một nhiệm vụ được ngành tư pháp triển khai từ năm 1997, đây được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thông qua việc triển khai thực hiện Luật TGPL bằng các hoạt động thực tế, góp phần vào việc bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng tiếp cận với pháp luật, giải quyết những vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Giai đoạn hình thành

Trước năm 1997 chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về hoạt động TGPL miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Ngày 6-9-1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng cho sự hình thành của hệ thống tổ chức TGPL. Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, các Trung tâm TGPL thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được củng cố và kiện toàn. Kết quả công tác TGPL trong khoảng thời gian này đã góp phần quan trọng trong việc giải tỏa các vướng mắc pháp luật trong nhân dân, nâng cao hiểu biết pháp luật.


Đội ngũ trợ giúp pháp lý luôn hết lòng chung tay giúp đỡ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

Căn cứ Quyết định 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ, vào ngày 7-11-1998 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 162/1998/QĐ-CT thành lập Trung tâm TGPL nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp (Trung tâm TGPL), có chức năng TGPL miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này. Giai đoạn đầu mới thành lập, Trung tâm TGPL chỉ có 3 biên chế, các hoạt động TGPL chưa đa dạng, phong phú, mới chỉ dừng lại ở các hoạt động tư vấn pháp luật và hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Hoạt động trợ giúp trong giai đoạn này nhìn chung chưa đúng bản chất của công tác TGPL.

Sự phát triển vượt bậc

Với sự quan tâm tạo điều kiện của UBND tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Tư pháp và với tinh thần năng động, sáng tạọ vượt khó của các thế hệ viên chức làm việc tại trung tâm, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương đã triển khai các hoạt động truyền thông phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của Bình Dương như tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật TGPL, mô hình “Giỏ pháp luật”, chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên Đài Truyền hình Bình Dương…

Có thể đánh giá rằng hoạt động TGPL tại Bình Dương ngày càng được nhiều người dân biết đến, Trung tâm TGPL đang ngày càng khẳng định là địa chỉ hỗ trợ pháp lý miễn phí tin cậy của nhân dân khi có vướng mắc pháp luật; thể hiện qua kết quả khảo sát thì 64,6% tỷ lệ người được khảo sát trả lời biết đến Trung tâm TGPL, 70,9% người được khảo sát trả lời sẽ lựa chọn Trung tâm TGPL để yêu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý khi họ có vướng mắc pháp luật; 78,1% rất hài lòng với chất lượng TGPL của trung tâm.

Với phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp yêu cầu Trung tâm TGPL chú trọng triển khai các hoạt động TGPL tại cơ sở. Theo đó, Trung tâm TGPL đã phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể lập kế hoạch TGPL lưu động hàng năm, trong đó tập trung tổ chức các đợt TGPL lưu động tại các vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động nhập cư... Bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn sẽ có ít nhất một đợt TGPL lưu động. Rất nhiều đợt TGPL lưu động được tổ chức đến tận các khu nhà trọ, nhà đội sản xuất của các nông trường cao su, văn phòng ấp, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt của cộng đồng đồng bào dân tộc.

Không dừng lại ở đó, để triển khai hiệu quả Đề án đổi mới hoạt động TGPL, ngay từ năm 2015 Trung tâm TGPL tỉnh Bình Dương đã tham mưu Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Dương (HĐPHLN tỉnh) thống nhất TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội trong các vụ án. Đây cũng là một trong những diện người được TGPL mà Luật TGPL năm 2017 ghi nhận bổ sung. Việc tham gia TGPL cho người dưới 18 tuổi góp phần “chia sẻ gánh nặng” với luật sư đối với những vụ án chỉ định cho người dưới 18 tuổi. Điều này giúp cơ quan tiến hành tố tụng không quá phụ thuộc vào luật sư đối với án chỉ định, qua đó giúp cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm thời hạn tố tụng theo quy định và khách quan hơn khi xét xử.

Hoạt động TGPL tại Bình Dương ngày càng phát triển, từng bước khẳng định vai trò của mình trong ngành tư pháp địa phương, trở thành một địa chỉ hỗ trợ pháp lý tin cậy của người dân. Trong thời gian tới, dự báo nhu cầu TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng của người dân sẽ ngày càng tăng, do đó công tác TGPL sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tập trung thực hiện các vụ việc TGPL cụ thể bằng hình thức tham gia tố tụng trong các vụ án có người thuộc diện được TGPL.

THỦY TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên