Xây dựng thành phố thông minh: Hướng thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững

Cập nhật: 24-11-2017 | 11:39:56

Sự phát triển mạnh mẽ của các thành phố đặt ra những thách thức to lớn về cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, môi trường sống cho các nhà quản lý và các ngành chức năng. Ngành công thương của tỉnh nhà cũng đã xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể cho kế hoạch của mình…

Tập trung 4 lĩnh vực then chốt

Tại hội thảo “Các thành phố thông minh” vừa diễn ra vào cuối tháng 9-2017 tại Hà Nội, đại diện Bộ Công thương cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã và đang rất quan tâm đến tiến trình đô thị hóa, hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của các đô thị trong việc hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, cũng như trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực. Nhận định việc xây dựng các thành phố thông minh là lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, ngày 21-11-2016, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình chiến lược đột phá của Bình Dương đến năm 2021 (còn gọi là Binh Duong Navigator 2021) và là trọng điểm của dự án “Thành phố thông minh Bình Dương”. Đây là một chương trình giúp Bình Dương phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó từng bước chuyển hóa từ nền công nghiệp sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao và dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương.

Thực tế, sau 30 năm đất nước đổi mới và 20 năm Bình Dương phát triển, do có định hướng đúng đắn, tỉnh Bình Dương đã phát triển nhanh chóng. Từ một tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp chiếm đến trên 95%, đến nay tổng thu ngân sách năm 2016 ước đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 50 lần so với 20 năm trước, dân số tăng 3 lần. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đã đạt đến 97,3%. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp với hơn 3.000 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bình Dương đã đầu tư hệ thống giao thông kết nối một cách đồng bộ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây nguyên...; hệ thống cảng, kho vận được đầu tư hiện đại góp phần phát triển dịch vụ logistics, tạo điều kiện giảm giá thành chi phí cho nhà đầu tư, làm tăng sản lượng, thu hút được nhiều nhà đầu tư và mang lại nguồn thu ngân sách lớn. Theo đánh giá của chuyên gia, tuy phát triển mạnh so với cả nước song kinh tế Bình Dương còn đối mặt với không ít thách thức như: phải dựa nhiều vào sản xuất truyền thống; giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư ở lĩnh vực truyền thống sụt giảm, vẫn còn một lực lượng lớn lao động phổ thông - trong khi để thu hút các ngành công nghệ cao tỉnh phải đáp ứng được yêu cầu về nhân lực chất lượng, tiếp cận được công nghệ hiện đại, hoạt động sản xuất hiệu quả, tài chính, thuế và nền hành chính thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng giáo dục và y tế đủ mạnh, sự hấp dẫn của thị trường địa phương... Do đó, việc xây dựng thành phố thông minh Bình Dương nhằm đáp ứng nhu cầu mới và tất yếu này nhằm bảo đảm phát triển kinh tế và phúc lợi cho người dân Bình Dương.

Theo ông Nguyên Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, hiện nay nền kinh tế toàn cầu đang bước sang giai đoạn mới, mang đến rất nhiều cơ hội để phát triển vượt bậc cho một tỉnh công nghiệp như Bình Dương. Cùng với các nước trong khu vực, Việt Nam đang gia nhập nhiều hiệp định tự do thương mại lớn và làn sóng sản xuất công nghiệp đang có xu hướng chuyển đến một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp để Bình Dương mở ra những đột phá mới nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của người dân và doanh nghiệp để tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển bền vững. Với 20 năm xúc tiến đầu tư quốc tế, Bình Dương đã có nhiều hoạt động hợp tác sâu rộng với các tỉnh, thành khắp thế giới ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… trong đó đặc biệt có thành phố Eindhoven (Hà Lan)... Hành trình phía trước vẫn còn phải tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ cho các sở, ngành, trong đó có ngành công thương.

Nhằm thực hiện thành công các nghị quyết, chỉ thị, chương trình kế hoạch của tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn 2030; góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, trách nhiệm ngành công thương, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án Thành phố thông minh. Theo đó, trên cơ sở phối hợp với các sở, ngành có liên quan Và thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, quy hoạch đã được phê duyệt. Trong năm 2018, ngành đẩy mạnh thực hiện việc “Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương” bằng tiếng Anh/ tiếng Việt với thông tin sâu rộng và đã được kiểm chứng. Hoạt động này nhằm đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước và trao đổi, chia sẻ dữ liệu trong công nghệ sản xuất, phát triển doanh nghiệp. Hoạt động thứ hai là việc xây dựng và phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh nhằm thúc đẩy thúc đẩy phát triển giao thương, giao dịch mua bán hàng hóa trên mạng internet của các doanh nghiệp, đáp ứng xu thế chung trong thời đại công nghệ hóa. Ngành cũng đang triển khai đề án “Định hướng ngành nghề, dự án kêu gọi đổi mới thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại”. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và thực hiện Chương trình số 34-CTr/TU ngày 16-12- 2016 của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016- 2020. Cùng với các dịch vụ tiện ích thì việc xây dựng một môi trường xanh bền vững là hình mẫu cho sự bùng nổ của các đô thị thông minh trong tương lai gần. Theo các chuyên gia, Các hệ thống năng lượng tiên tiến sẽ giám sát và điều khiển việc sử dụng năng lượng, từ đó quản lý và lưu trữ năng lượng hiệu quả hơn. Xuất phát từ ý nghĩa đó, Sở Công thương đang tập trung xây dựng Đề án “Phát triển năng lượng mặt trời” nhằm tiết kiệm chi phí và bảo đảm nguồn năng lượng dùng trong sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường. Dự án sẽ được triển khai vào năm 2019.

Những kế hoạch đề án của ngành công thương luôn nhắm đến những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu trong thế kỷ XXI, đặt con người và tri thức là trọng tâm, lấy kết nối hợp tác “thông minh” làm phương châm để phát triển nhằm hướng tới một nền kinh tế năng động, sáng tạo, linh động có khả năng thích ứng với những biến chuyển khó lường của thế giới.

Tạo tiền đề phát triển bền vững

Cũng tại hội thảo “Các thành phố thông minh” vừa diễn ra vào cuối tháng 9-2017 tại Hà Nội, ông Joerg Rueger, Bí thư Thứ nhất của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội phụ trách về Bảo vệ môi trường và Thiên nhiên, Xây dựng và Phát triển đô thị nhấn mạnh: Kỹ thuật số sẽ làm thay đổi cơ bản cách thức mà chúng ta đang sống và làm việc tại các đô thị của chúng ta. Thành phố thông minh không phải là đích đến cuối cùng. Thực chất là nó được xây dựng nhằm mục đích phục vụ mục tiêu phát triển bền vững về mọi lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, xã hội và môi trường. Trong thời gian qua, ngành công thương đã tăng cường việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nhằm xác lập vị thế của doanh nghiệp tỉnh Bình Dương ở tầm quốc tế nhằm quảng bá, mời gọi FDI trong các ngành sản xuất tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, thu hút lực lượng lao động tri thức, hướng tới đưa Bình Dương thành một điểm sáng với thế mạnh về sản xuất và kỹ thuật tiên tiến trong tương lai. Việc chú trọng phát triển ngành logistics, tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong địa bàn; tạo tiền đề quan trọng cho việc thu hút đầu tư của tỉnh.

Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh. Tăng cường, phát triển các doanh nghiệp hiện tại đồng thời tạo ra các doanh nghiệp mới, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp hội nhập kinh doanh trong khu vực và trên trường quốc tế. Song song với đó, ngành tiếp tục tập trung đầu tư vào giải quyết các yếu tố làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tiếp tục thu hút các nhà đầu tư hàm lượng công nghệ cao đến và gắn bó với Bình Dương; tiếp tục tập trung xây dựng và quy hoạch ngành theo hướng thông minh, tiện ích để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Đồng thời tăng cường khả năng dự báo và đề phòng, ngăn ngừa các diễn biến bất lợi có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc triển khai mô hình ba nhà, xây dựng tỉnh Bình Dương hướng đến thành phố thông minh năng động sáng tạo, gia nhập ICF, là một tiến trình rất mới mẻ, chưa có tiền lệ chắc chắn sẽ có nhiều thách thức. Với quyết tâm cao và hành động thiết thực, hy vọng ngành công thương sẽ góp phần tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội; năng động và bền vững cho tỉnh và trong cơ cấu liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên