4 năm sau bài viết “Một bản án dân sự gây xôn xao dư luận”: Cái đúng đã được thừa nhận

Cập nhật: 22-05-2015 | 08:47:26

Đây là vụ tranh chấp dân sự không quá phức tạp. Tuy nhiên, vụ việc phải trải qua nhiều cấp xét xử và nếu không có kháng nghị của Chánh án TAND tối cao thì vụ việc có lẽ đã đi theo một hướng khác!

Năm 2010, bà Phan Thị Phương Lan làm đơn khởi kiện bà L.T.X. để đòi lại 657,8m2 đất tọa lạc tại ấp 6, xã Thường Tân, huyện Tân Uyên (nay là huyện Bắc Tân Uyên) mà theo bà Lan là bị cấp nhầm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) của bà X. Tuy nhiên, qua hai cấp tòa đều bác đơn khởi kiện của bà Lan. Cho rằng mình bị oan, bà Lan làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Qua xem xét đơn của bà Lan, Chánh án TAND tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương. Tòa Dân sự TAND Tối cao cũng đã xét xử giám đốc thẩm theo nội dung kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao và tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương. Vụ việc được giao về cho TAND huyện Bắc Tân Uyên xét xử theo quy định.

Số báo Bình Dương cách đây 4 năm có bài viết “Một bản án dân sự gây xôn xao dư luận” nay vẫn được bà Lan giữ cẩn thận

Tuy nhiên, không phải chờ đợi đến sự phán quyết của tòa, mới đây, bà X. đã chấp nhận giao sổ đất của mình để bà Lan làm thủ tục điều chỉnh lại diện tích đã bị cấp nhầm trong GCN QSDĐ của bà X.

Bản án sai vì không làm rõ các chứng cứ!

Qua lời khai của các nhân chứng sống lâu năm tại địa phương như bà Nguyễn Thị Chấp, bà Nguyễn Thị Những, bà Nguyễn Thị Thẻ... đều xác nhận gia đình bà Lan sử dụng phần đất tranh chấp từ năm 1975 để trồng điều và tràm. Trong quá trình sử dụng, bà Lan có cho con là chị Nguyên cất nhà trên đất. Điều này phù hợp với lời khai của ông Nguyễn Văn Sử về việc ông Sử có mượn đất tranh chấp của bà Lan để sử dụng từ năm 1977 đến năm 1991 và phù hợp với lời khai của ông Nguyễn Phúc Cường là người mua tràm bông vàng của bà Lan vào năm 2007.

Theo biên bản thẩm định tại chỗ ngày 6-9-2010 của TAND huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên) thì trên đất tranh chấp có một ngôi mộ và hàng rào kẽm gai trụ xi măng là do chị Nguyên (con bà Lan) lập năm 2008, ngoài ra không có tài sản nào khác. Trong “Đơn xin xác nhận nguồn gốc mồ mả trên đất” có các nhân chứng là bà Nguyễn Thị Sáu, bà Nguyễn Thị Thẻ và ông Nguyễn Văn Lương - Trưởng ban điều hành ấp 6, xã Thường Tân - thì ngôi mộ trên đất tranh chấp có tên cụ Đặng Thị Lem là bà ngoại của bà Lan.

Ngoài ra, tại biên bản xác minh ngày 28-8-2009, ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ địa chính và ông Huỳnh Quốc Thiện, cán bộ tư pháp xã Thường Tân cho biết: “Việc cấp GCN QSDĐ cho cả bà Lan và bà X. đều cấp sổ trong đợt đại trà năm 1999. Việc cấp sổ không qua đo đạc thực tế mà lấy kết quả đo đạc thực tế của địa chính chính quy. Tại thời điểm cấp sổ đại trà, bà Lan, bà X. đều đi đăng ký tại xã nhưng diện tích đất tranh chấp thì đã được đo bao trong diện tích đất của bà X. Bà Lan và bà X. không hề biết đất được cấp sổ trong sổ của bà X., nên trên thực tế bà X. giữ GCN QSDĐ còn bà Lan là người thực tế sử dụng đất…”. Tại biên bản hòa giải ngày 2-5-2008, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Tân cũng cho biết: “Thửa đất đang tranh chấp do đăng ký nhầm thửa, hộ bà Lan đã canh tác liên tục từ năm 1975 cho đến nay…”.

Theo nhận định của HĐXX giám đốc thẩm, với những chứng cứ như trên mà cả 2 cấp tòa chỉ căn cứ vào GCN QSDĐ được cấp cho bà X. để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lan là chưa đủ căn cứ vững chắc. Do vậy, cần phải hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Cái đúng đã được thừa nhận

Bà Bùi Thị Bích Hạnh, Thẩm phán TAND huyện Bắc Tân Uyên, người được phân công thụ lý giải quyết vụ việc tranh chấp giữa bà Lan và bà X. cho biết, tranh chấp giữa bà Lan và bà X. đã được giải quyết xong. Theo đó, bà X. đã đồng ý giao GCN QSDĐ để bà Lan làm thủ tục điều chỉnh lại 657,8m2 nằm trong tổng diện tích 936m2 đã bị cấp nhầm cho bà X. Bà Lan cũng đồng ý hỗ trợ cho bà X. 20 triệu đồng, số tiền này phía bà X. cũng đã nhận.

Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, ông Nguyễn Minh Can, Chủ tịch UBND xã Thường Tân cũng cho biết vụ việc tranh chấp giữa bà Lan và bà X. được 2 bên thỏa thuận giải quyết xong. Bà X. đã đồng ý trả lại đất cho bà Lan. “Đây là vụ việc từng gây xôn xao dư luận tại địa phương cách đây mấy năm. Nếu trước đây các cấp tòa xác minh, làm rõ các chứng cứ thì có lẽ vụ việc sẽ không kéo dài và phải trải qua nhiều phiên tòa như vậy”, ông Can nói.

Trở lại nhà bà Lan sau 4 năm kể từ khi báo Bình Dương đăng bài “Một bản án dân sự gây xôn xao dư luận”, trông bà Lan đã già hơn trước rất nhiều, chồng bà đã mất, hiện bà phải chăm sóc người con trai út mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, điều làm bà Lan mãn nguyện là đã đòi lại được phần đất mà tổ tiên khai phá.

 

NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết
Càng ngày, những vụ án tranh chấp đất càng nhiều nhỉ?nhiều vụ phức tạp năm này qua năm khác khiến người trong cuộc cũng mệt mỏi mà ngành chức năng cũng đau đầu theo. Mong bà Lan sớm có được câu trả lời hợp lý sau chừng ấy năm kiện cáo
Thiên Cầm (Cách đây 9 năm)
Mừng cho bà Lan đã lấy lại được phần đất tổ tiên. Cảm ơn Báo Bình Dương đã luôn đồng hành cùng những số phận đang bế tắc trên con đường tìm lại công lý.
Thế Hưng (Cách đây 9 năm)
Vấn đề là cơ quan chức năng có thực thi hay không mới là chuyện để nói.
Trần Chi (Cách đây 9 năm)
Án oan sai càng ngày càng nhiều, mất 4 năm để đòi lại công lý như bà Lan thì thật khó chấp nhận
T.N (Cách đây 9 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên