Bình đẳng giới là “chìa khóa” chấm dứt bạo lực

Cập nhật: 17-11-2017 | 08:14:12

Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới (BĐG) và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, những năm qua, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) như CLB Gia đình hạnh phúc, CLB BĐG, địa chỉ tin cậy… Từ những CLB, mô hình này làm thay đổi nhận thức của xã hội, gia đình, xác định BĐG chính là “chìa khóa” để chấm dứt bạo lực, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội an toàn, lành mạnh, bình đẳng và hạnh phúc.

 Các thành viên trong CLB Gia đình hạnh phúc phường Hiệp Thành (TP.TDM) sinh hoạt định kỳ. Ảnh: T.LÝ

 Hiệu quả từ CLB Gia đình hạnh phúc

Phường Hiệp Thành (TP. Thủ Dầu Một) nhiều năm qua được ví là phường “hạnh phúc” bởi số vụ ly hôn thấp, bạo lực gia đình hầu như không có. Đạt được kết quả trên không thể không nhắc đến hiệu quả mà mô hình CLB Gia đình hạnh phúc của phường mang lại. CLB này được đánh giá hoạt động tốt nhất trong số 16 CLB Gia đình hạnh phúc do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP.Thủ Dầu Một phát động thành lập. Chị Võ Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp Thành, cho biết tháng 5-2013, Hội LHPN phường phối hợp triển khai mô hình CLB Gia đình hạnh phúc và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể hội viên. Đến nay, mô hình đã “phủ sóng” ở các khu phố trên địa bàn phường, thu hút đông gia đình tham gia. Các thành viên trong CLB còn là những tuyên truyền viên tích cực về công tác gia đình.

CLB tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt phong phú như trang bị kiến thức về sức khỏe, nuôi dạy con cái cho phụ nữ; hướng dẫn tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình, các biện pháp, cách phòng tránh bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý; phổ biến kinh nghiệm để trở thành người phụ nữ “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”… Sau nhiều năm triển khai, CLB đã phát huy hiệu quả trong việc xây dựng gia đình theo tiêu chí ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ. Các gia đình chú trọng việc nuôi dạy con cái khôn lớn, phát triển toàn diện thay vì chịu ảnh hưởng của các tư tưởng xã hội sai lệch.

CLB Gia đình hạnh phúc không chỉ là “mái nhà chung” đem lại niềm vui, tiếng cười, chia sẻ kinh nghiệm sống mà còn góp sức giúp những thành viên khó khăn có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống. Đơn cử như CLB Gia đình hạnh phúc xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên. CLB hiện có 49 thành viên. Tùy theo điều kiện của từng gia đình, các thành viên đóng góp xoay vòng vốn giúp đỡ nhau. Chị Lê Kim Liên là một điển hình đã được giúp đỡ. Ngày mới vào CLB chị gặp nhiều khó khăn do làm ăn thất bại. Xét hoàn cảnh của chị, các thành viên đóng góp cho vay không tính lãi. Có được số vốn, chị mở quán cà phê tại nhà. Mua bán đắt, chị đã trả hết được số tiền vay mượn, cuộc sống gia đình chị dần ổn định. Chị Liên tâm sự: “Nhờ có các bạn trong CLB mà tôi có thêm động lực sống, động lực kiếm tiền. Từ khi tham gia các hoạt động của CLB, tôi thấy cuộc sống gia đình có nhiều thay đổi. Mặc dù trong đời sống mâu thuẫn vợ chồng là không thể tránh khỏi nhưng nhờ những kinh nghiệm được học hỏi từ CLB chúng tôi có những cách ứng xử phù hợp hơn với nhau, biết cách xử lý các tình huống một cách hợp lý, vì thế cuộc sống gia đình trở nên vui vẻ hơn, các thành viên trong gia đình động viên nhau làm ăn, học hành”.

Nỗ lực xóa bất bình đẳng giới

Ngoài mô hình CLB Gia đình hạnh phúc do Hội LHPN tỉnh thành lập với gần 60 CLB, trên 1.500 thành viên, hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, CLB gia đình phát triển bền vững, CLB BĐG, nhóm phòng - chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tổ tư vấn về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình… Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thông qua các CLB, mô hình hầu hết các vụ bạo lực gia đình được phát hiện, các mâu thuẫn trong gia đình cơ bản được hòa giải ngay từ cơ sở. Nhiều CLB thường xuyên củng cố, đổi mới hình thức sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đã duy trì hoạt động đều đặn và hiệu quả. Nhiều địa phương cũng vận dụng sáng tạo, đưa nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bổ sung vào quy ước của các tổ dân phố và nhân rộng nhiều mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần giảm thiểu các vụ bạo lực.

Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế trên địa bàn tỉnh nạn bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Cụ thể, năm 2016, số vụ bạo lực gia đình 144 vụ, trong đó trên 92% nạn nhân là phụ nữ. Nguyên nhân nhiều phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa dám đấu tranh để được bình đẳng với nam giới; nam giới còn tư tưởng trọng nam kinh nữ… Bà Hằng khẳng định với chức năng, nhiệm vụ của ngành, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các ngành, địa phương, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐG, phòng chống bạo lực gia đình. Cùng với đó, đơn vị tăng cường nhiều giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG; triển khai thực hiện các giải pháp BĐG ở lĩnh vực, vùng, địa phương có bất BĐG hoặc có nguy cơ cao bất BĐG và bạo lực gia đình... Qua đó, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐG, phòng chống bạo lực gia đình tại các đơn vị, địa phương phù hợp.

 Để thực hiện tốt Luật BĐG, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại kế hoạch hành động của tỉnh về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới. Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt Tháng hành động quốc gia vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới do tỉnh phát động với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trước tình hình thực tiễn hiện nay.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=346
Quay lên trên