Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa IX: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề dân sinh

Cập nhật: 10-12-2020 | 08:21:43

Chiều qua (9-12), kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa IX bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. 3 nhóm vấn đề gồm: Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên - môi trường, cải cách hành chính và các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh đã được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông và ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời trước đại biểu và cử tri.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: “Hiện nay, người dân xây dựng nhà ở phải xây dựng đúng vị trí, thổ cư, làm phát sinh thêm thủ tục. Với góc độ chuyên ngành, sở có giải pháp gì để tham mưu tỉnh rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho người dân?”. Trả lời vấn đề này, ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết sở tiếp tục chỉ đạo hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thị, thành phố nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại các Văn bản 5152/STNMT-VPĐKĐĐ ngày 25-11-2020, Văn bản số 5159/STNMT-VPĐKĐĐ ngày 25-11-2020.

Cụ thể, chỉ thực hiện trích lục địa chính phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn các huyện, thị, thành phố từ nguồn cơ sở dữ liệu địa chính, bản đồ dùng chung, bản đồ địa chính; không thực hiện việc đo đạc chỉnh lý trừ các trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc (tăng, giảm diện tích, tách hợp thửa, đo đạc phục vụ các cơ quan tòa án, thi hành án và theo yêu cầu của người dân); đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, bảo đảm trình tự thủ tục theo quy định, theo HTQLCL ISO 9001:2015; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về đất đai, áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổ chức tiếp nhận hồ sơ đo đạc qua thư điện tử; tiếp tục duy trì bảo đảm tỷ lệ trễ hẹn hồ sơ đo đạc, trích lục dưới 0,5%, tỷ lệ hồ sơ cấp giấy chứng nhận trễ hạn dưới 0,25%; giảm thời gian thực hiện hồ sơ từ 1 - 5 ngày làm việc.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tiến Dũng, về tình trạng ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng, nhất là rác thải dọc các tuyến đường, bãi đất trống, nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước mưa chảy ra kênh rạch, suối trên địa bàn tỉnh..., ông Sự cho biết: “Thời gian tới, để công tác kiểm soát ô nhiễm các sông, suối, kênh rạch trên địa bàn tỉnh một cách chủ động và đi vào thực chất, sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện các giải pháp. Cụ thể là tham mưu UBND tỉnh ban hành lại quy định bảo vệ môi trường cho phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường mới và diễn biến tình trạng môi trường hiện nay, trong đó chú trọng đến việc quy định phân vùng xả thải trên các lưu vực, để hạn chế xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là các kênh, rạch không còn khả năng chịu tải; đồng thời phân rõ trách nhiệm quản lý môi trường cho các ngành, các cấp và các địa phương.

Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2021- 2025, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, đề án về nạo vét khơi thông dòng chảy, thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị; rà soát, xác định các vấn đề bức xúc, tồn tại của địa phương, nguyên nhân, hậu quả, từ đó xây dựng các đề án, nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai trong kế hoạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp đi vào hoạt động trước đây có hạ tầng xuống cấp; xử lý nghiêm những nguồn thải không đạt quy chuẩn môi trường; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các doanh nghiệp không khắc phục ô nhiễm; kiểm tra, xử lý dứt điểm các cơ sở kinh doanh phế liệu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong các khu dân cư, đô thị không đáp ứng được các yêu cầu về môi trường, xây dựng và phòng cháy, chữa cháy...

Khuyến khích dịch vụ công trực tuyến

Đối với lĩnh vực CCHC, đại biểu Huỳnh Thị Tuyết Hạnh cho rằng mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một rất hiệu quả, cần triển khai nhân rộng trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết qua 3 năm hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một đã đáp ứng rất tốt những nhu cầu của người dân, trở thành điểm sáng trong CCHC của tỉnh nói chung và TP.Thủ Dầu Một nói riêng; được người dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC thì không được thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện. Vì vậy, thời gian tới, căn cứ vào tình hình thực tiễn công tác CCHC của tỉnh, Sở Nội vụ phối hợp cùng các ngành chức năng sẽ nghiên cứu tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xin ý kiến Trung ương về thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tại một số địa phương cấp huyện có mức độ đô thị hóa cao, có số lượng hồ sơ TTHC phát sinh nhiều mà bộ phận một cửa hiện tại của địa phương đó không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết để phục vụ nhân dân.

Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thanh Mai về giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho rằng giải pháp trước mắt là tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, địa phương phải tổ chức cho cán bộ một cửa và tình nguyện viên hướng dẫn người dân thực hiện TTHC thông qua môi trường mạng, giúp tạo tài khoản và đính kèm hướng dẫn cách thức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vào hồ sơ trả cho người dân để lần nộp hồ sơ, sử dụng dịch vụ hành chính công tiếp theo người dân có thể tự thực hiện thông qua cổng dịch vụ công của tỉnh; có giải pháp khuyến khích và ưu tiên xử lý sớm những hồ sơ nộp qua mạng; nâng tần suất tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; triển khai có hiệu quả dịch vụ chứng thực điện tử; từng bước rà soát, cải tiến các khâu thực hiện điền thông tin vào các biểu mẫu hồ sơ trực tuyến thuận lợi hơn...

Chống ùn tắc giao thông

Đối với các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh, trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian qua UBND tỉnh đã triển khai các dự án, công trình giao thông mang tính kết nối vùng, nội tỉnh, như: Dự án ĐT743 từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần, dự án Thủ Biên - Đất Cuốc, đường cầu kết nối Bình Dương với Tây Ninh...; đồng thời rà soát bất cập của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát điều chỉnh thời lượng các pha đèn, bổ sung các chốt đèn tín hiệu; rà soát thay thế, bổ sung các hệ thống báo hiệu để phù hợp với QCVN:41-2019/BGTVT; tổ chức lực lượng chức năng, ứng trực, phân luồng giao thông, xử lý các vi phạm giao thông; rà soát các bất cập của các trạm thu phí...

Về giải pháp cấp bách trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, cùng các sở, ngành hữu quan, UBND và Ban An toàn giao thông các huyện, thị, thành phố khẩn trương rà soát những hạn chế, bất cập của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng... trên các tuyến đường, nhất là các tuyến đường huyết mạch, có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc giao thông, các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông... đề xuất giải pháp xử lý cụ thể.

Về giải pháp căn cơ là tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, công trình giao thông, nhất là các dự án giao thông huyết mạch, trọng điểm của tỉnh, kết nối nội tỉnh với các tỉnh, thành, các đầu mối giao thông, cửa ngõ giao thông phía Nam của tỉnh. Trong đó, các dự án đầu tư nâng cấp mở rộng ĐT743 từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần; dự án cải tạo mở rộng quốc lộ 13 từ cầu Vĩnh Bình đến giao lộ Lê Hồng Phong (TP.Thủ Dầu Một); dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743... có ý nghĩa hết sức cần thiết và cấp bách...

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên