Cơn bão mạnh nhất trong 10 năm đe dọa Việt Nam

Cập nhật: 07-11-2013 | 00:00:00

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương chuẩn bị lệnh cấm biển khi bão vào biển Đông, kêu gọi tàu thuyền tránh bão Haiyan.

Trong cuộc họp khẩn diễn ra sáng 7-11, tại Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đặc biệt lưu ý các thành viên Ban chỉ đạo, các địa phương cần phải chuẩn bị các phương án phòng chống toàn diện để xây dựng kế hoạch ứng phó chi tiết và cụ thể ở trên biển, ven biển và trên đất liền ứng phó siêu bão với tên gọi quốc tế Haiyan đang di chuyển rất nhanh hướng vào biển Đông.

 Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương họp khẩn ứng phó siêu bão Haiyan chuẩn bị vào biển Đông

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, siêu bão Haiyan đang ở cấp 17, giật cấp 18, 19 và đang hướng vào nước ta. Dự báo, đêm 8-11 và rạng sáng 9-11, siêu bão Haiyan sẽ đổ bộ vào biển Đông. Và chỉ trong vòng 2 ngày tới, từ 10 đến 11-11, tâm bão sẽ cập bờ.

Bão kết hợp với đới gió Đông có thể gây mưa lớn diện rộng ở các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và có thể mở rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ông Bùi Minh Tăng  nhấn mạnh: Khi đi vào biển Đông- vùng ảnh hưởng bởi tâm bão từ vĩ độ 9 đến vĩ độ 15, gió cấp 9 và cấp 10. Hướng di chuyển vào đất liền sẽ chéo lên phía Bắc. Vùng nguy hiểm trên biển là giữa phía Bắc quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.

Từ nay đến lúc cập bờ còn 5 ngày, đêm, các mô hình dự báo còn rất phân tán chưa xác định được khu vực đổ bộ. Nhiều khả năng bão hướng vào khu 5, áp sát vào các địa phương như: Quảng Nam, Đà Nẵng sau đó di chuyển men theo bờ biển, một số dự báo khác lại cho tâm bão có thể vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh

Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, chủ động phòng chống áp thấp nhiệt đới và bão Haiyan, tính đến 6h sáng 7-11, Bộ đội biên phòng tuyến biển đã phối hợp với các địa phương kêu gọi, hướng dẫn cho hơn 85.000 phương tiện với khoảng 385.000 người biết diễn biến áp thấp nhiệt đới và bão.

Hiện khu vực Bắc và giữa biển Đông bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn 428 phương tiện, với 6.315 người. Lo ngại nhất hiện nay là còn nhiều tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

  Mưa gió khiến sà lan đứt neo trôi dạt tại Khánh Hòa

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các địa phương kiên quyết kêu gọi tàu thuyền khẩn trương di chuyển về bờ. Trong trường hợp phải trú tránh tại các đảo kiên quyết không để người ở dưới tàu, thuyền.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, công tác trọng tâm hiện nay là tập trung kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển ở Bắc vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 15, phía Đông kinh tuyến 112 khẩn trương di chuyển về bờ. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đe dọa đến vùng biển và đất liền nước ta.

Ông Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương chuẩn bị lệnh cấm biển khi bão vào biển Đông. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau kêu gọi toàn bộ tàu thuyền khẩn trương di chuyển vào đất liền tránh trú bão. Vùng ven bờ các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định chuẩn bị tập trung hướng dẫn các tàu thuyền neo đậu an toàn; sơ tán dân các vùng cửa sông, cửa biển; di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản và tuyệt đối không để người trên các lồng bè khi bão đổ bộ.

Trong điều kiện cần thiết đề nghị cấm đường trên Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh. Rút kinh nghiệm từ các cơn bão trước, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trước, trong và sau khi bão đổ bộ, các thành viên Ban chỉ đạo, và các địa phương cần đặc biệt lưu ý an toàn cho các cột thu phát sóng, tín hiệu viễn thông. Ngành điện cần có phương án đảm bảo cho đường dây 500 kv Bắc - Nam, tránh để xảy ra sự cố như vừa qua.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Văn phòng Ban chỉ đạo phải thường xuyên cập nhật diễn biến và thông báo kịp thời đến các địa phương và người dân chủ động phòng tránh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Thủ tướng Chính phủ rất quan ngại sau khi nhận được thông tin về cơn bão này. Trước diễn biến phức tạp của bão, các thành viên Ban chỉ đạo phải có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo và các địa phương cũng như người dân các biện pháp chủ động phòng tránh. Kế hoạch ứng phó bão phải toàn diện hơn và quyết liệt hơn. Thời gian còn lại không nhiều, nên việc kêu gọi tàu thuyền phải thật khẩn trương. Trên đất liền cũng phải có kế hoạch cụ thể tính đến mọi tình huống để ứng phó bão.

Theo VOV
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=513
Quay lên trên