Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động

Cập nhật: 11-03-2013 | 00:00:00

Thời gian qua, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được xã hội quan tâm, hưởng ứng. Qua đó, nhiều thành phần lao động lâu nay chỉ bám ruộng đồng hoặc những người chưa có việc làm ổn định đã hăng hái tham gia các khóa học và đây chính là cơ hội để người lao động (NLĐ) rèn luyện kỹ năng, trang bị cho mình một ngành nghề thực thụ xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mang việc về nông thôn

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Dĩ An Lê Văn Mới cho biết: “Trong 3 năm qua, TX.Dĩ An đã đào tạo nghề cho 300 LĐNT với các ngành nghề như cơ khí, cắt uốc tóc, điện công nghiệp… trong đó, có 200 học viên tốt nghiệp (đạt 66,7%), với đội ngũ giáo viên tận tình giảng dạy và trang bị các thiết bị phục vụ trong chương trình học đã tạo điều kiện cho các học viên sau khi học xong tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được học để tăng thu nhập cho bản thân, góp phần an sinh xã hội.  

LĐNT đến tham dự phỏng vấn tại sàn việc làm được tổ chức tại Tân Uyên

Tại huyện Tân Uyên, công tác đào tạo nghềcho LĐNT trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi từ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các nông trường cao su trú đóng trên địa bàn; với lợi ích chung là qua đào tạo nghềsẽ tạo thêm cơ hội cho NLĐ có công ăn việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hơn nữa về niềm tin của nhân dân vào chủtrương, chính sách của Đảng vàNhànước. Kết quả trong 3 năm qua, Tân Uyên đã tổ chức được 64 lớp, với tổng số học viên 1.864 học viên. Sau khóa học, hầu hết học viên được giải quyết việc làm ở địa phương. Ông Ngô Thành Văn (SN 1956), ở ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên cho biết: “Được sự giúp đỡ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, năm 2011, xã Tân Mỹ đã phối hợp với trường Trung cấp Nghề Tân Uyên mở lớp nghề Kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su, với tính thiết thực của nghề này tôi đã tham gia khóa học. Kết thúc khóa học 45 ngày với những kiến thức tôi áp dụng vào vườn cây cao su của gia đình. Từ khi áp dụng cho đến nay, vườn cây ít bị nấm bệnh hơn, sản lượng mủ tăng lên rõ rệt so với lúc tôi chưa áp dụng kiến thức đã học góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho gia đình”.

Vẫn còn vướng

Theo kế hoạch, từ năm 2010- 2012, Bình Dương tổ chức đào tạo nghề cho 6.546 học viên, trong đó dự kiến năm 2012 sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 2.140 người là LĐNT trong tỉnh. Sau 3 năm (2010-2012) thực hiện đề án, trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 4.159 LĐNT, đạt 64% theo kế hoạch. Kết quả trên đã phản ánh được độ khó của nhiệm vụ, sự hưởng ứng và nhu cầu học nghề để tìm việc làm của người dân chưa cao mặc dù công tác phối kết hợp của các thành viên trong ban chỉ đạo tương đối nhịp nhàng.

Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương Bùi Văn Kiêu nhìn nhận: Thực tế tình hình thiếu việc làm trong nông thôn hiện đang cho thấy: ngoài thời gian nông nhàn chưa được tận dụng (khoảng 35% thời gian lao động nông nghiệp), còn nhiều thanh niên hàng năm đến tuổi lao động không có việc làm; ở những nơi đất đai được chuyển đổi mục đích sử dụng, NLĐ được hưởng tiền đền bù, nhiều khi khá lớn, song đất không còn, việc làm cũng không có, sinh ra nhiều tệ nạn xã hội. Cần thiết tạo thêm nhiều việc làm cho LĐNT, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm lao động sản xuất nông nghiệp, tăng lao động kinh doanh các ngành nghề ngay tại địa phương.

Tại huyện Dĩ An, từ 2010-2012, đối tượng tuyển sinh chính là LĐNT, bộ đội xuất ngũ, lao động bị thu hồi đất canh tác thực sự có nhu cầu học nghề chiếm số lượng rất ít; quá trình tuyển sinh gặp khó khăn do nhu cầu học nghề ngắn hạn trên địa bàn không còn nhiều như những năm trước đây mà đa số đối tượng cần học nghề dài hạn để có được bằng nghề, chuẩn hóa. Mặc dù số lượng đầu vào ở thời điểm đăng ký đủ cơ sở để mở lớp (từ 20 - 25 học sinh) nhưng trong quá trình học, một số học viên sẵn sàng nghỉ học để đi làm (khi có một cơ quan, đơn vị, xínghiệp nào đó tuyển dụng) hoặc không theo hết chương trình, không tiếp tục theo hết khóa học, có khi nghỉ học ngang (do không đủ trình độ tiếp thu bài giảng, việc đi lại khó khăn và nhiều lý do khách quan khác).

Qua 3 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Phùng Trung đánh giá: Trong những năm qua, công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh đã được sự đồng tình của các cấp, các ngành và NLĐ, nhiều NLĐ nông thôn tích cực tham gia học nghề theo đề án, đã có sự chuyển biến trong nhận thức của người LĐNT về việc học nghề; tạo điều kiện cho NLĐ vùng nông thôn có nghề nghiệp để tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: Trình độ văn hóa học viên còn thấp, không đồng đều, phần lớn học viên đều vừa tham gia học tập vừa làm công việc phụ giúp gia đình nên không bảo đảm duy trì sĩ số, chất lượng chưa cao. Chưa huy động được các nguồn lực để tham gia hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho LĐNT, chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước. Công tác giải quyết việc làm sau khi học nghề còn nhiều hạn chế do doanh nghiệp chưa chung tay vào việc giải quyết việc làm cho LĐNT sau học nghề…

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ: Đẩy mạnh, triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT. Chiến lược, kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT phải xuất phát từ nhu cầu của người học, người sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và của xã hội, đồng thời phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Cần thay đổi phương pháp dạy nghề cho LĐNT…

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Dĩ An LÊ VĂN MỚI: Có chính sách hỗ trợ hợp lý

Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” tỉnh Bình Dương quan tâm nâng cao chất lượng cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT như: Có chính sách hỗ trợ học sơ cấp nghề hợp lý cho các đối tượng thuộc diện tạm trú hoặc KT3 chưa có việc làm ổn định và có nhu cầu học nghề trên địa bàn tỉnh. Tăng mức tiền thù lao giáo viên giảng dạy sơ cấp nghề và tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho LĐNT để tạo điều kiện cho các học viên chưa có việc làm có điều kiện theo học cho đến hết chương trình.

- Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Uyên NGUYỄN THỊ HỒNG: Công tác tuyển sinh còn khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những khó khăn, hạn chế nhất định nên hiệu quả triển khai thực hiện đề án ở Tân Uyên mang lại hiệu quả so yêu cầu thực tế chưa cao. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, các xã - thị trấn chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT chưa sâu rộng. Công tác tuyển sinh còn nhiều khó khăn tại một số xã - thị trấn do nhu cầu học nghề của người dân không nhiều, đặc biệt ở các xã - thị trấn phía nam của huyện, nơi tập trung nhiều công ty, xí nghiệp.

- Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương BÙI VĂN KIÊU: Cần có sự “vào cuộc” của địa phương

Đào tạo nghề cho LĐNT cần nắm chắc được các nhu cầu (theo từng nghề, nhóm nghề, vị trí công việc...) của người dân ở từng địa phương (xã, huyện) và của doanh nghiệp, thông qua điều tra khảo sát nhu cầu. Phải có sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính ở địa phương. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, ở địa phương nào có sự quan tâm của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội thì ở địa phương đó, công tác dạy nghề cho LĐNT đạt được kết quả mong muốn.

 

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=467
Quay lên trên