Dùng giấy tờ giả lừa bán đất: Hàng chục người “sập bẫy”

Cập nhật: 11-05-2020 | 09:06:44

Thủ đoạn của các đối tượng này là làm giả sổ đỏ, sau đó dùng chiêu cần tiền trả nợ gấp nên vay tiền và chuyển quyền sử dụng đất. Thấy giá trị đất rẻ, nhiều người đã “sập bẫy” lừa!


Tang vật của một vụ làm giấy tờ giả bị cơ quan chức năng thu giữ

Lừa cả người quen

Trong đơn gửi đến Báo Bình Dương phản ánh sự việc, ông Huỳnh Văn L. (ngụ phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) cho biết mình bị lừa mất 600 triệu đồng. Theo ông L., thấy giá của mảnh đất mà người bán rao “mềm” hơn giá thị trường nên ông đồng ý mua và cùng bên bán đến Văn phòng công chứng Sở Sao làm các thủ tục công chứng. Tuy nhiên khi sự việc đổ bể, ông phát hiện sổ đỏ mảnh đất trên là giả, đối tượng đã dàn cảnh chiếm đoạt của ông 600 triệu đồng.

Hồ sơ vụ án thể hiện từ tháng 3-2016 đến tháng 5-2016, Trang và Diệu đã dùng sổ đỏ giả thực hiện 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, một mình Trang còn thực hiện thêm 3 vụ khác. Trong quá trình điều tra, đối tượng này không thừa nhận cùng đồng bọn sử dụng sổ đỏ giả để thực hiện hành vi lừa đảo. Có vụ Trang khai do Diệu vay, mượn tiền của mình và có thế chấp bản chính các sổ đỏ nên khi Diệu chuyển nhượng cho người khác, Trang đến văn phòng công chứng để đưa sổ đỏ làm hợp đồng và lấy tiền cấn trừ nợ từ Diệu.

Ông L. cho biết ngày 16- 3-2016, ông có thỏa thuận với bà Ngô Thùy Trang (SN 1976, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất có diện tích 2.408m2 tại phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một với giá 600 triệu đồng. Hợp đồng này được lập tại Văn phòng công chứng Sở Sao vào ngày 16- 3-2016 và được công chứng viên Trịnh Quang Nho chứng thực. Tuy nhiên đến ngày 12- 9-2016, ông L. đến Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Dầu Một liên hệ trích lục hồ sơ địa chính để lập thủ tục chuyển nhượng mảnh đất trên, qua rà soát hồ sơ, cơ quan này cho biết không có hồ sơ gốc lưu trữ. Vụ việc sau đó được chuyển đến cơ quan Công an TP.Thủ Dầu Một

Sau đó ông L. đến UBND phường Tân An liên hệ thì được biết Văn phòng công chứng Sở Sao không xác minh tình trạng đất tại địa phương cũng như niêm yết công khai hồ sơ mảnh đất, gây thiệt hại cho người mua. Ông L. cho rằng trong vụ việc này ông là người bị thiệt và yêu cầu Văn phòng công chứng Sở Sao có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông.

Liên quan đến vụ việc này, sau khi cơ quan công an vào cuộc đã xác định ông L. không phải là nạn nhân duy nhất. Cũng với thủ đoạn dùng sổ đỏ giả lừa bán đất, Ngô Thùy Trang đã khiến nhiều người “sập bẫy”. Trang là người đứng ra dàn dựng tất cả các phi vụ và lấy tiền chia cho đồng bọn. Nạn nhân của các đối tượng này phần lớn là những người cho vay và nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Liên quan đến vụ án, ngoài Trang còn có Nguyễn Thị Diệu (SN 1969, ngụ phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) và anh trai là Nguyễn Văn Dũng bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn tinh vi

Một trong những nạn nhân bị các đối tượng trên lừa nhiều nhất là ông Nguyễn Hoàng K. và mẹ của mình, bà Phùng Thị H. Vào khoảng tháng 3-2016, Trang đưa cho Diệu bản photo sổ đỏ mang tên Nguyễn Thị Diệu. Trang dặn Diệu là khi nào mình tìm được khách sẽ giới thiệu cho Diệu dẫn đi xem đất. Thông qua một người bạn, ông K. biết bà Diệu cần vay tiền nên nói cho mẹ mình là bà H. biết. Sau đó Trang dẫn ông K. đến gặp Diệu nói chuyện. Bà Diệu nói cần vay 300 triệu đồng và đưa cho ông K. xem bản photo sổ đỏ, sau đó dẫn đi xem mảnh đất tại KP.5, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một. Diệu nhận bừa đây là đất của mình. Xem đất xong, ông K. đồng ý cho vay 300 triệu đồng với lãi suất 5%/ tháng; bên vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất trên. Sau đó bên vay và bên cho vay cùng đến Văn phòng công chứng Sở Sao ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chứng nhận của công chứng viên Trịnh Quang Nho. Sau khi nhận 300 triệu đồng từ bà H., Diệu trả ngay tiền lãi tháng đầu là 15 triệu đồng. Số tiền còn lại Diệu đưa hết cho Trang. Trang đưa cho Diệu 20 triệu đồng.

Khoảng 5 tháng sau, bà H. mang sổ đỏ của mảnh đất trên đến cơ quan chức năng yêu cầu trích lục hồ sơ thì được biết không có hồ sơ gốc. Qua giám định sổ đỏ mảnh đất này, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh kết luận đây là sổ đỏ giả được làm bằng phương pháp in phun màu điện tử.

Điều đáng nói là chỉ hai ngày sau phi vụ thứ nhất lừa bán đất “ảo” cho ông K. và bà H., Trang và Diệu lại dùng thủ đoạn này chiếm đoạt của hai nạn nhân thêm 300 triệu đồng nữa.

Sau khi lừa được vụ thứ nhất và lấy 300 triệu đồng, Trang và Diệu nói muốn vay thêm tiền để đầu tư làm ăn. Lần này miếng mồi là sổ đỏ giả của một mảnh đất ảo ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một. Ông K. đích thân đến nơi xem xét và nhận thấy diện tích đất thực tế là phù hợp với sổ nên đồng ý cho vay 300 triệu đồng với điều kiện Diệu phải ký hợp đồng ủy quyền cho bà H. toàn quyền quyết định đối với mảnh đất này. Ngày 25-8-2016, bà H. đi xin trích lục hồ sơ sổ đỏ mảnh đất này và tá hỏa khi biết đây là sổ đỏ giả...

Hồ sơ vụ án thể hiện từ tháng 3-2016 đến tháng 5-2016, Trang và Diệu đã dùng sổ đỏ giả thực hiện 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, một mình Trang còn thực hiện thêm 3 vụ khác. Trong quá trình điều tra, đối tượng này không thừa nhận cùng đồng bọn sử dụng sổ đỏ giả để thực hiện hành vi lừa đảo. Có vụ Trang khai do Diệu vay, mượn tiền của mình và có thế chấp bản chính các sổ đỏ nên khi Diệu chuyển nhượng cho người khác, Trang đến văn phòng công chứng để đưa sổ đỏ làm hợp đồng và lấy tiền cấn trừ nợ từ Diệu. Số tiền mà Diệu chiếm đoạt sau đó đưa cho Trang, Trang đã trả nợ và tiêu xài hết.

Ngoài hai đối tượng này có vai trò chính, trong một phi vụ lừa người khác, Diệu còn lôi kéo anh trai mình vào, khiến người này vướng vào vòng lao lý. Diệu nói với anh trai là Nguyễn Văn Dũng rằng Diệu đang thiếu nợ nhưng không có tiền trả nên nhờ người làm một sổ đỏ do ông Dũng đứng tên, sau đó tìm người chuyển nhượng lấy tiền trả nợ. Thửa đất mà Diệu chọn để làm sổ đỏ giả gần nhà ông Dũng, nếu có người đến mua, ông Dũng đóng vai chủ đất ra nói chuyện. Sau khi có sổ đỏ, Trang dẫn anh Trần Trung D. cùng Diệu đi xem đất. Như lời của em gái đã hướng dẫn trước đó, ông Dũng vào vai chủ đất một cách ngon lành. Anh D. đồng ý mua mảnh đất với giá 300 triệu đồng và trở thành nạn nhân tiếp theo.

Vụ này chỉ được nạn nhân phát hiện khi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có sự nhầm lẫn. Cụ thể là sau khi ký hợp đồng ở Văn phòng công chứng Sở Sao và giao tiền, khoảng 1 tháng sau anh Trần Trung D. phát hiện tên trong hợp đồng sai họ nên đến văn phòng công chứng để điều chỉnh. Sau khi xem lại hợp đồng, công chức viên Trịnh Quang Nho nghi ngờ sổ đỏ giả nên tạm giữ hồ sơ công chứng. Sau đó bị hại đã làm đơn tố giác sự việc đến cơ quan công an yêu cầu làm rõ vụ việc. Qua giám định sổ đỏ mảnh đất này, cũng như các vụ việc trước đó, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh kết luận đây là sổ đỏ giả được làm bằng phương pháp in phun màu điện tử.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố bị can Nguyễn Thị Diệu, Ngô Thùy Trang và Nguyễn Văn Dũng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đáng chú ý là vai trò của công chứng viên Trịnh Quang Nho được cáo trạng xác định “có hành vi thiếu trách nhiệm trong hoạt động công chứng hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng ủy quyền quyền sử dụng đất mà không phát hiện các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên là giả. Tuy nhiên, hành vi của Trịnh Quang Nho xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực nên hành vi này không cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

 L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên