Giám đốc bỏ trốn, người làm thuê lãnh đủ!

Cập nhật: 14-05-2014 | 00:00:00

Đã hơn 1 tháng qua, kể từ ngày ông Lâm Văn Ze được ông Phạm Thành Trung, Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ (DVBV) Hoàng Gia 24, hẹn có mặt tại công ty để giải quyết chế độ tiền lương từ tháng 10 đến tháng 12-2013 mà công ty còn nợ nhưng đến nay ông Ze vẫn chưa nhận được đồng nào, mặc dù đã nhiều lần đến công ty đòi nợ. Trong khi đó ông Lương Văn Hướng, Phó Giám đốc Công ty DVBV Hoàng Gia 24, cho biết ông Trung đã bỏ trốn…(?!).

Nợ tiền lương!

Ông Lâm Văn Ze, quê huyện Ô Môn, TP.Cần Thơ, cho biết tháng 8-2013 ông được nhận vào làm nhân viên của Công ty DVBV Hoàng Gia 24, tại số 161 khu phố 1A, phường An Phú, TX.Thuận An. Sau đó ông được phân công bảo vệ mục tiêu là Công ty Lâm Sơn Kim tại xã Tân Hiệp, Tân Uyên với chức danh đội trưởng, mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Trong thời gian này, lương hàng tháng ông không được trả đầy đủ mà cứ đến kỳ lãnh lương chỉ được ứng trước vài trăm ngàn đồng. Khi không còn tiền ăn, ông đòi tiền lương tháng thì kế toán công ty chỉ cho ứng 100.000 đồng. Mặc dù việc thanh toán tiền lương không rõ ràng nhưng vì muốn được làm việc, có thu nhập lo cho cuộc sống nên ông Ze chấp nhận gắn bó với Công ty DVBV Hoàng Gia 24.

2 thẻ bảo vệ của ông Ze và ông Tài nay được giữ lại để làm “kỷ niệm”!. Ảnh: H.H

Đầu năm 2014, Giám đốc Công ty DVBV Hoàng Gia 24 điều chuyển ông Ze đến bảo vệ mục tiêu ở một cửa hàng ô tô tại Đồng Nai. Vì nơi này xa chỗ ở nên sau đó ông Ze xin nghỉ việc và được lãnh đạo công ty chấp nhận. Ngày 1-3, ông Ze đã bàn giao toàn bộ công cụ mà công ty trang bị cho nhân viên khi làm việc. Việc bàn giao này có lập biên bản dưới sự chứng kiến của Giám đốc công ty là ông Phạm Thành Trung và một nhân viên là anh Lê Văn Tài. Trước đó, ngày 28-2, ông Phạm Thành Trung đã ký giấy hẹn ông Ze đúng 15 giờ 30 phút ngày 21-3 có mặt tại Công ty DVBV Hoàng Gia 24 để giải quyết chế độ tiền lương từ tháng 10 đến tháng 12-2013 mà công ty còn nợ ông là 6.659.000 đồng. Tuy nhiên, đúng hẹn ông Ze đến công ty để nhận tiền thì nhân viên kế toán của công ty nói không có tiền, ông Trung không có mặt ở đây, ông ta đã bỏ trốn nên không ai đứng ra giải quyết. Khi ông Ze gặp ông Lương Văn Hướng, Phó Giám đốc công ty thì ông này bảo mọi quyết định nhận người, phân công mục tiêu, ký giấy hẹn đều do ông Trung ký, vì vậy nên tìm ông Trung mà đòi tiền (!?).

Với nét mặt buồn bã và đầy bức xúc, ông Ze cho biết thêm: “Thời gian qua, tôi đã nhiều lần gọi điện cho ông Trung, Giám đốc Công ty DVBV Hoàng Gia 24, để đòi tiền lương nhưng không thể liên lạc được. Trong khi chính ông Trung là người ký giấy chấp thuận cho tôi nghỉ việc; đồng thời còn hẹn ngày thanh toán 3 tháng tiền lương mà công ty còn nợ tôi, vậy mà lại cố tình trốn tránh trách nhiệm…”.

Ngoài ông Ze còn có ông Lê Văn Tài, SN 1971, quê Đồng Tháp cũng có đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp, buộc Công ty DVBV Hoàng Gia 24 trả tiền lương cho mình. Ông Tài cho biết khoảng giữa tháng 8-2013, ông được nhận vào làm nhân viên của Công ty DVBV Hoàng Gia 24. Sau đó ông được phân công bảo vệ mục tiêu là Công ty Lâm Sơn Kim tại xã Tân Hiệp, Tân Uyên. Trong thời gian làm bảo vệ mục tiêu, bản thân ông không hề bị kỷ luật hay sai phạm gì. Tính đến hết năm 2013, Công ty DVBV Hoàng Gia 24 còn nợ ông Tài 3 tháng lương từ tháng 10 đến tháng 12. Đầu năm 2014, Giám đốc Công ty DVBV Hoàng Gia 24 điều chuyển ông Tài đến bảo vệ mục tiêu tại một cửa hàng ô tô tại Đồng Nai. Đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2014, ông yêu cầu công ty thanh toán số tiền đã thiếu để ông về quê ăn tết nhưng họ nói không có tiền, qua tết sẽ tính. Nghỉ tết xong, ông Tài không làm việc nữa và yêu cầu Công ty DVBV Hoàng gia 24 phải thanh toán 3 tháng tiền lương cho ông nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết…!

Trăm dâu đổ đầu… người bỏ trốn?!

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lương Văn Hướng cho biết: “Ngày 16-3, ông Phạm Thành Trung, Giám đốc Công ty DVBV Hoàng Gia 24 đã nghỉ việc nên tôi tạm điều hành công ty. Vì ông Trung đã bỏ trốn nên trước mắt công ty không có nhiệm vụ trả lương cho hai nhân viên Lâm Văn Ze và Lê Văn Tài…”. Trong buổi làm việc với P.V, ông Hướng còn cho biết ông Trung đã tự ý dùng con dấu của công ty để ký kết các giấy tờ mà không thông qua Hội đồng quản trị của công ty, phòng nhân sự, phòng kế toán. Ngoài ra, khi ông Trung bỏ trốn còn mang theo cả giấy phép kinh doanh của công ty, vì vậy những hợp đồng mà ông Trung đã ký với hai nhân viên Ze và Tài trước đây thì hiện công ty phải chờ ông Trung về thì mới giải quyết được.

Ngoài ra, theo ông Hướng còn một lý do khác mà công ty không trả hết lương cho ông Tài và ông Ze là vì hai ông này vi phạm nội quy của công ty. Khi chúng tôi chuyển phản ánh của ông Tài đến ông Hướng, rằng công ty còn thiếu ông Tài 3 tháng lương cuối năm 2013 thì ông Hướng cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, công ty đã trả cho ông Tài 10 triệu đồng. Vào ngày 28 tết, chính tôi trực tiếp đưa cho ông Tài 5 triệu đồng nữa...”. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu được xem các hóa đơn chi số tiền trên, ông Hướng đi lên văn phòng tìm, sau đó quay trở xuống và bảo rằng: “Ông Trung đã mang hết các giấy tờ liên quan đi luôn rồi!”. Cũng trong buổi làm việc, ông Hướng cung cấp cho chúng tôi các văn bản liên quan đến trường hợp của ông Tài, như: Quyết định sa thải, đơn trình báo mất tài sản (hai văn bản trên đều do ông Phạm Thành Trung ký) và biên bản nhân viên vi phạm kỷ luật.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của P.V là vì sao ông Ze không vi phạm kỷ luật nhưng lại bị “giam” tiền lương 3 tháng, ông Hướng cho biết vì ông Ze đã hứa bảo lãnh cho ông Tài nên công ty phải giữ tiền lương của ông này lại để bảo đảm trừ vào số tiền trị giá của một cái máy bộ đàm và hai bộ quần áo mà ông Tài chiếm đoạt của công ty khi nghỉ việc. Tuy nhiên, ông Hướng không cung cấp được giấy tờ bảo lãnh như ông nói, đồng thời nhấn mạnh nếu hai ông Ze và Tài có mang máy bộ đàm và đồng phục trả cho công ty thì vẫn phải chờ ông Trung về để giải quyết chuyện tiền lương! Trao đổi với chúng tôi, ông Hướng còn cho biết, trong thời gian làm việc, ông Ze và ông Tài không được công ty ký hợp đồng lao động vì họ “vi phạm liên tục!”.

Từ những giải thích của ông Phó Giám đốc Công ty DVBV Hoàng Gia 24, có nhiều vấn đề cần đặt ra, đó là công ty không ký hợp đồng lao động với người lao động mặc dù đã hết thời gian thử việc và nếu ông Tài có vi phạm kỷ luật thì công ty cần có chế tài xử lý ông Tài chứ sao lại “giam” tiền lương của ông Ze để cấn trừ khiến ông này phải mất nhiều thời gian và công sức đi đòi! Những việc làm trên của Công ty DVBV Hoàng Gia 24 đúng sai thế nào, rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ!

H.H

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên