Sống giản tiện, hậu sự nhẹ nhàng hóa ra là lựa chọn và di chúc của khá nhiều người hiện nay. Nếu bạn chú ý sẽ thấy ngày càng nhiều tấm bảng “không nhận tiền phúng điếu” khi đi viếng người đã khuất. Nhìn một cách thấu đáo, điều này tưởng như đơn giản nhưng là một nét văn hóa, cách sống thật hay của cả một gia đình.
Lần đầu tiên biết việc gia chủ không nhận tiền phúng điếu chúng tôi đã khá ngạc nhiên. Theo giải thích của những người thân trong gia đình thì đơn giản là họ không muốn chuyện “nhận - trả” thêm mệt mỏi, nặng nề. Gia đình có thể lo hậu sự chu toàn nên chuyện nhận phúng điếu là không cần thiết. Một số gia đình khác còn có cách làm hay nữa là sau khi lo xong hậu sự cho người thân, họ cùng nhau đi làm từ thiện một phần tài sản người mất để lại. Họ coi như đó là một cách để “người ra đi được nhẹ nhàng”…
Có lần công tác tại huyện Phú Giáo, chúng tôi cũng thấy hay khi được biết gia đình nào có đám tang sẽ được các chú trong hội người cao tuổi của địa phương vận động không đốt vàng mã. Các chú cho biết ban đầu cũng khá khó khăn, người ta khó chấp nhận việc bỏ đi một phong tục đã ăn sâu bao đời nhưng vận động một thời gian thì bà con cũng nghe theo. Nay ở nhiều khu dân cư tại thị trấn Phước Vĩnh, Phú Giáo không có cảnh rải vàng mã khi đưa tang hay đốt hàng triệu đồng tiền để mua vàng mã như trước đây nữa.
Lại có gia đình chọn cách hậu sự nhẹ nhàng hơn nữa là thực hiện “3 không”. Đó là không nhận tiền phúng điếu, không đốt vàng mã và không chọn địa táng mà chọn cách hỏa táng. Họ giải thích đơn giản là không nên… tranh giành đất với người sống và hãy để cát bụi trở về cát bụi!
Họ muốn đơn giản, nhẹ nhàng thế thôi…
HƯƠNG CẦN