Hỏi đáp chính sách lao động- tiền lương

Cập nhật: 14-11-2015 | 08:27:33

Hỏi: Tôi có một số vấn đề xin được hỏi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đó là Công ty TNHH hai thành viên nhận vốn góp của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vậy công ty có thể áp dụng quy định về chế độ lương, thù lao, tiền thưởng cho Hội đồng thành viên, Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP.

Trả lời: Theo quy định tại Điều 58 Luật Doanh nghiệp năm 2005, công ty TNHH hai thành viên trở lên (trong đó bao gồm cả công ty có vốn góp của Nhà nước) được quyền quyết định thù lao, tiền lương và thưởng của thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong công ty theo kết quả và hiệu quả kinh doanh.

Theo đó, công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước được quyền quy định chế độ tiền lương, cơ chế trả lương của công ty hoặc vận dụng các quy định của Nhà nước (Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ) để trả lương, thù lao, tiền thưởng cho Hội đồng thành viên, Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên tại công ty.

Riêng đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn góp chi phối của Nhà nước, theo quy định tại khoản 9, Điều 10 Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ thì các cơ quan, tổ chức là đại diện vốn Nhà nước tại công ty chỉ đạo người đại diện vốn căn cứ vào nội dung quy định tại Nghị định 51/2013/NĐ-CP, tham gia quyết định hoặc đề xuất với Hội đồng Quản trị, Hội đồng thành viên để quyết định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý công ty cho phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm quản lý chung của Nhà nước.

Hỏi: Việc giải quyết nâng lương để tính lương hưu đối với người có thời gian làm chuyên gia ở nước ngoài được quy định như thế nào?

Trả lời: Người có thời gian làm chuyên gia ở nước ngoài về nước đúng hạn, đủ điều kiện nâng thêm bậc lương để làm cơ sở tính lương hưu theo quy định tại Thông tư số 02/ LĐTBXH ngày 11-2-1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì việc giải quyết nâng bậc lương để tính lương hưu được thực hiện theo quy định sau:

a) Trường hợp khi giải quyết nâng lương mà trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ còn hệ số bậc lương thì thực hiện nâng lên hệ số bậc lương cao hơn liền kề trong ngạch hoặc trong chức danh đó;

b) Trường hợp khi giải quyết nâng lương mà trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ không còn hệ số bậc lương thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung. Thời gian tính hưởng thâm niên vượt khung là thời gian để tính nâng lương theo Thông tư số 02/LĐTBXH-TT, theo đó 3 năm đầu được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư trở đi, cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm phụ cấp thâm niên 1%, trường hợp còn lẻ thời gian từ đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm để tính thêm 1%;

c) Trường hợp khi giải quyết nâng lương mà hệ số lương đã bao gồm phụ cấp thâm niên vượt khung thì được hưởng thêm phụ cấp thâm niên vượt khung. Thời gian tính hưởng thêm thâm niên vượt khung là thời gian để tính nâng lương theo Thông tư số 02/BLĐTBXH-TT, cứ mỗi năm được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung 1%, trường hợp còn lẻ thời gian từ đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm để tính thêm 1%.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên